KHAI TÂM quê nhà Hội ngộ.
Theo tin nhắn trong điện thoại( tới từng em) của ban tổ chức.Anh em ở tỉnh lẻ, lục tục kéo về SÀI GÒN trước một ngày (31.7.2015).
Ai không có nhà quen, được thông báo kéo về khách sạn CỰU KIM SƠN của bác HUỲNH CỠI CỌP, có xe đưa đón.
Địa điểm tổ chức xa trung tâm TP để tránh những cặp mắt cú vọ. Thủ lãnh 3 T bận viễn du Hoa Kỳ, nên hậu cứ giao lại cho Lương Phú Quảng, Hân bún bò và Nguyễn Văn Mẫn. Anh em khen KT hải ngoại chọn ngày 2 tháng 8 rất có ý nghĩa, khéo như chọn hai chữ KHAI TÂM. Nhưng KT quê nhà chọn trước một ngày để có nhiều thời gian cho các bác ở xa, thuận tiện cho các bạn ở nội thành đó là ngày thứ bẩy( mồng một tháng tám). Cuộc hội ngộ tổ chức rất thành công. Bốn mươi năm ngày xa Trường MẸ. Cũng đúng 40 năm các siêu “Thợ lặn” mới chịu sạc bình. Gồm: NGUYỄN ĐỨC HẢI Gio Linh,Nguyễn Đức Nhâm Bảo Lộc, NGUYỄN VĂN THIỆN, NGUYỄN VĂN CHẠY, NGUYỄN HY vắng mặt cử bà xã đi thay.Đặc biệt nhất là bác ĐINH HOÀNG TIẾN Phan Rang, tham dự cùng con trai.
Chắc cũng giống các bác bên trời Tây; KT nội cũng “Hào hển”(VC gọi là hồ hởi) khi gặp lại nhau.NGUYỄN ĐỨC HẢI, ứng viên số 1 tranh chức “Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” với NGUYỄN VĂN XÙ.Cũng tóc đen, giày bóng,kiếng gọng inox, nhẫn SQ; mỗi ngài một vẻ, mười một phân vẹn mười.hic! Bạn bè chọc chỉ có bác HẢI là quyết giữ lời thề: “Ta sẽ về Đông Hà, ta sẽ về Gio Linh…”.Hứng chí, bác khoe đã từng tới chân cầu HIỀN LƯƠNG để” Vũ quá BẾN HẢI” như CỐNG QUỲNH…
ĐINH HOÀNG TIẾN thì ngược lại, mái tóc bạc phơ, da dẻ hồng hào, tiên phong đạo cốt lắm. Bạn bè nhắc lại “huyền thoại” Thoát Hoan NGUYỄN ĐỨC LÃNH chiêu dụ Trần Bình Trọng ĐINH HOÀNG TIẾN năm xưa:
_Ngươi có muốn đi phố không?
_(lắc đầu).
_Có muốn đi Câu lạc bộ ba RÂU không?
_(lắc đầu).
_Có muốn về phép thăm đào không?
_( Chưa kịp hét:Ta thà sỉu trước cổng NAM QUAN, còn hơn chui gầm bàn Phạn xá) đã bị LÃNH DZỒI CHÓ phán: Thằng này điên rồi, chém!
Cũng có tiệc Tiền hội ngộ như các bác Hải ngoại khoe. Chiều 31.7 anh em dự đám cưới con bác PHAN ĐỨC CHỮ. Nhìn hai trẻ đẹp đôi; ông sui trai và bà sui gái đẹp dáng, ai cũng mừng cho bạn mình…
Khách mời có các NT K24, K25,K27,K30,K31; đặc biệt có chị quả phụ K22A. Các Phu nhân:Lương Phú Quảng, Vương Khắc Vinh,Lê Mạnh HÙNG lo việc tặng hoa các chị quả phụ.
Cũng như bao lần gặp mặt trươc đây, chuyện xưa kể hoài không dứt. Nhìn hai bạn NGUYỄN VĂN XÙ và NGUYỄN VĂN CHẠY ngồi cạnh nhau, cụng ly tâm đắc; bạn bè ôm bụng cười.Vì trong bài “TÁO QUÂN- THỔ ĐỊA LUẬN ANH HÙNG” hai vị đã bị kết án là hại k28 , phải đeo lon Thiếu úy 9 ngày.
Theo lời đề nghị của bác LƯƠNG PHÚ QUẢNG, xin tặng các bác bài thơ:
MỪNG NGÀY HỘI NGỘ.
Kể từ lúc rời xa Trường MẸ,
Bốn mươi năm: dâu bể, dập vùi
Anh em phân tán khắp nơi!
Chân trời, góc bể, quê người biệt tăm…
Ngày hội ngộ, bao năm xa cách,
Có khác chi nước mạch nhớ nguồn.
Tình thương ,nối tiếp tình thương;
Bạn bè cùng khóa cùng Trường khó quên.
Cùng tưởng niệm: Bạn hiền vắn số,
Cổng Nam Quan, sân cỏ lăn, bò…
Cười càng to, nói càng to
Chuyện xưa kể đến bao giờ mới ngưng?
Gặp nhau tay bắt, mặt mừng!
Cuối cùng bịn rịn, chia tay vào lúc xế chiều. Hình ảnh buổi Hội ngộ các bác chờ LPQUẢNG, NV MẪN và Cao tăng VŨ QUANG PHÁT post lên KT sau.
T.Cm.
__._,_.___
Văn Tế KHAI TÂM.
Anh tiểu sảo nằm gác chân lên bục gỗ,
Chú lờ quờ đố thoát khỏi ấp, bò lăn.
Rồi dăm chú yếu được dìu về Phạn xá; chục thằng què lăn xả dưới hào sâu. Chúng tôi không muốn lè phè mà chỉ tại chân què lê không nổi. Chí những mong cùng đàn anh tiến bước nhưng sức không kham nổi đoạn đường. Chúng tôi ham Nougar kẹo, sữa, đường. Hãy nung nấu tâm can chúng tôi bằng sợi Récitan ngàn watt.
Dưới 2 chấm, nguy cơ về THỦ ĐỨC.Hai chấm tròn ở lại gặp đàn em. Đành rằng chốn quân trường nào ai ham ở mãi. Nhưng còn chú Ba râu, gầm chị QUÝ; lại còn tam ca MAI, CHÚC, NGHĨA thời ai nỡ giựt nợ cho đành!
Thân học dốt lỡ vương vào VÕ BỊ
Bốn năm dài văn hóa học mà kinh.
Chúng tôi không thèm du học, du sinh mà chỉ muốncó tên mình khi tốt nghiệp.
Đêm nay, gió trên ngàn thông vi vu thổi. Đèn khu Gia binh mờ, tỏ từng hồi…Có linh thiêng xin về đây chứng giám, ngày mai đây chúng tôi dìu 3 khóa đàn em di tản rời Trường. Tá túc Trường Bộ binh, đợi bốc thăm về đơn vị mới.
Lưới Chim
Bác TÁM ui! Để tối nay chờ lúc con vợ ù của tui ngủ, tui sẽ viết về cách bắt chim cho bác và các bác KHAI TÂM nghe chơi. Bảo đảm thực 100/100 , hổng có sạo như thiên hạ kể đâu. Cách bắt của tui đơn giản hơn nhiều; vừa hiệu quả, vừa hợp với túi tiền của mấy thằng nghèo như tui. Có nhiều lúc cười lộn ruột như gài cu trong vườn mấy bà goá chồng. Nhá sơ cho bác thấy:
Các bác KHAI TÂM thương mến!
NGÀY XUÂN TÁO QUÂN -THỔ ĐỊA
*Thân tặng K28 VÕ BỊ.
Chiều 22 tháng Chạp, sau khi sửa soạn hành trang để sáng sớm hôm sau lên đường về chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế, Táo KHAI TÂM (Táo khóa 28) bèn gọi phone mời Thổ địa VÕ BỊ tới phạn xá nhậu. Bia lon uống vài tuần, ngà ngà say, Táo Quân tâm sự:
–Anh Thổ nè, tui mang trong lòng một nỗi ưu tư chưa biết phân tỏ cùng ai. Anh có thể lý giải dùm tui được không?
–Chuyện gì vậy anh Táo?
-Tui cứ ấm ức vì trong khóa 28 có người cứ ngậm ngùi, than thở về khoá 28 là khoá bù, nên xui tận mạng; theo anh có đúng vậy không?
–Mấy cha nói khoá 28 là khoá bù là mấy chả có máu mê bài cào. Chứ khoá 28 là khoá có nhiều Sao nhất đó anh Táo. Hai tám là nhị thập bát tú, có tới 28 vị tinh tú trên trời hạ san gia nhập đó. Coi phim Tây Du Ký, anh thấy Tề Thiên phò Tam Tạng qua hướng “Tây Ninh” để thỉnh kinh; bị yêu quái chận đường, Tề Thiên đánh không lại, phải lên Trời thỉnh hai mươi tám vị thần xuống trợ lực. Không tin tui cho anh xem cái này nè.
–Cái gì vậy anh?
–Đây là danh sách khóa 28 do NGỌC HOÀNG phê duyệt và ấn ký vào ngày 24.12.71 đó. Đọc qua anh mới hết hồn. Để trấn giữ bốn phương, khóa 28 có tới năm tướng còn gọi là ngũ hổ. Được phân nhiệm như sau:
Hướng đông có Phạm Phi ĐÔNG.
Hướng tây có Lê Văn TÂY.
Hướng nam có tới hai vị là Nguyễn Tri NAM, Lý Hưng NAM.
Hướng bắc có Phan Văn BẮC.
Còn bên trong, nói theo danh từ nhà binh gọi là Bộ Tư Lệnh, còn có đủ cả tứ linh như: Vũ Đằng LONG, Phi LONG, Huỳnh Đăng HỔ, Nguyễn Văn VOI.
Đặc biệt hơn cả là thần Kim Qui. Sau khi giúp An Dương Vương xây thành CỔ LOA, thần đã rút móng chân tặng nhà vua làm “cơ bẩm” nỏ thần để phòng thủ Cổ Loa thành, chống lại đạo quân xâm lăng từ phương Bắc của TRIÊU ĐÀ. Nhưng An Dương Vương ỷ có “Bùa” hộ mạng, nên không thèm xem “cẩm nang” mới bị te tua xơ mướp; cuối cùng phải đem con gái chạy ra biển tìm đường “vượt biên”. Biết thế, thần Kim Qui giận quá, biến thành người, tình nguyện gia nhập K28 với giấy khai sinh tên là Lý Đình QUI.
–Còn nhiều chuyện ly kỳ lắm anh ơi!
–Tui loanh quanh xó bếp nên có biết gì đâu. Anh nói vậy, tui biết vậy. Nhưng tui hỏi anh sao K28 có nhiều nhân tài như vậy mà lận đận quá trời?
-À, anh hỏi vậy , tui lại phải giải thích thêm cho anh rõ. K28 nếu dồi mài kinh sử đủ 4 năm như các sư huynh của mình thì rúng động thiên hạ chứ chẳng chơi đâu. Tại mấy chả bị “đẻ non”; nóng lòng muốn phụ đàn anh “uýnh giặc đỏ”, lại rủ rê cả đàn em kế là khóa 29 xuống núi LÂM VIÊN cùng một lượt; nên phạm vào điều cấm kỵ của Bản phái.
-Anh nói gì tui không hiểu.
–Nói thiệt anh đừng buồn, anh “chậm tiêu” quá! Anh đọc truyện PHONG KIẾM XUÂN THU chưa? Đoạn Tôn Tẩn cãi lời thầy của mình là Quỹ Cốc, tự ý “xuống núi” sớm để giúp Bàng Quyên nên bị nạn một ngàn ngày. Hai khoá 28 và 29 cũng y chang như Tôn Tẩn, có khác chi mô. Cũng bị chung nạn kiếp “cải tạo” một ngàn ngày, nghĩa là chưa đủ ba năm trong “tù ngục đỏ”, nên không được “chú SAM” cho qua Mỹ theo diện H.O.
Nghe anh giải thích, tui thấy giống ý của “chủ nhà” tui quá! Thằng chả khoe khoá 28 cầm quân “mát tay” lắm; dẫn ba khoá đàn em di tản từ Đà Lạt về Thủ Đức, quân không hao một tên, súng không mất một khẩu. Rồi đến khi, vì vận nước đến hồi mạc vận(!), huynh đệ bị cầm tù; trong bi thảm, trong khốn cùng, anh em vẫn thương yêu, xẻ chia từng củ khoai, trái chuối “cải thiện” được…, đùm bọc nhau có khác chi huynh đệ ruột thịt. Tôn ti, trật tự vẫn được duy trì, chỉ có “môn phái VÕ BỊ” mới giữ được truyền thống đó thôi anh Thổ ạ. Đàn anh, đàn em tin tưởng nhau tuyệt đối, không sợ bị bán đứng, bán nằm. Mỗi lần bị chuyển trại, thiên hạ lo lắng còn mấy chả cười hì hì; thậm chí còn tuyên bố “đày ông đi đâu cũng đếch sợ, vì có xuống vùng V(*) thì cũng sớm được trình diện các đàn anh, mà toàn là những anh hùng hào kiệt một thời!, đâu có thành ma lang thang đâu mà sợ”. Có hận chăng là chưa thoả chí tang bồng của người trai thế kỷ! Sanh không gặp thời, hay tại khoá của chả còn có hai ông tên là Nguyễn Văn CHẠY và Nguyễn Văn XÙ nên mới trở thành “Thiếu Uý 9 ngày” là vậy đó!. Ôi! có lẽ đó là ý Trời phải không anh THỔ?
VŨ VĂN TÁP, K28
KỂ CHUYỆN TRONG TÙ.
Nhận được thơ của em đã ba hôm rồi, nhưng bận quá hôm nay mới hồi âm cho em được. Mong em thông cảm! Trong thơ, em”mong mỏi”anh kể chuyện trong tù với mỹ từ” cải tạo” của Vẹm; chiều ý em gái, anh kể cho em nghe đây:
Sau ngày 30 tháng tư 75, sâu bọ lên làm người! Chín mươi phần trăm nhân tài của miền NAM bị gom vào rọ. K28 bọn anh rời lò LUYỆN THÉP vừa đúng chín ngày; chuyện đấm đá không có gì để kể. May nhờ đàn anh hết lòng che chở nên mới vẹn toàn, để rồi nhập đàn trong rọ.
Đài phát thanh loan báo đem theo mười ngày ăn, trình diện trong hai ngày 21 – 22 tháng 6. Anh nộp mạng vào ngày 22 ( Ngu gì đi sớm), tại 91 TRẦN HỒNG QUÂN, quận 10 SÀI GÒN; với gạo và thức ăn cho 10 ngày như thông báo. Ghi tên, tuổi, số quân rồi nằm chờ. Ăn uống thì được nhà hàng Tàu đem tới. Nhưng tối hôm ấy, bọn anh được đoàn xe Molotova tới xúc đi. Chúng cho xe chạy vòng vòng trong thành phố để đánh lạc hướng, rồi chạy suốt đêm lên hướng TÂY NINH. Xe che bạt bít bùng, mỗi xe chở trên hai chục mạng, chưa kể có hai tên mang Aka ngồi ngoài cùng hộ tống. Xe chạy chậm rì, nhìn qua khe hở thấy dân chúng đứng ven đường nhìn theo đoàn xe chỉ trỏ. Nhìn hai tên cầm súng mới thấy chán đời! Ngủ gà, ngủ gật; cứ ngỡ là chúng chưa bao giờ được ngủ.Hay là chúng ngủ quên trên chiến thắng hả em? Sợ hắn té xuống đường, gieo hoạ cho mình nên mấy lão ngồi gần lại phải thường xuyên canh chừng, nhắc nhở. Xe chạy suốt đêm, mãi tới năm giờ sáng mới dừng lại. Đó là căn cứ TRẢNG LỚN ; căn cứ này lớn lắm thừa chỗ để nhốt vài ngàn người. Anh được nhốt tại hậu cứ của Tiểu đoàn 250 pháo binh, sư đoàn 25 bộ binh. Gác cổng là hai tên vệ binh, ngồi sau tấm bảng gổ với hàng chữ đỏ: Xuống xe trìng giấy. Anh không viết lộn đâu, chữ trình miền Bắc viết như vậy đó. Một tên ngồi cạnh anh , nói nhỏ: Mình thua là phải!
Tất cả được lệnh xuống xe, tập họp. Được phân chia mỗi đội một trăm người rồi giao cho một” quan nón cối” mang quai hàm hai sao một gạch; được gọi là Quản giáo trông coi. Sau đó được phân thành B, thành tổ; đứng đầu là đội trưởng, đội phó; b trưởng , b phó; tổ trưởng , tổ phó là những cải tảo viên được chọn lựa, hãnh diện vô cùng! So với bạn bè, bọn anh sướng hơn vì những chàng trình diện trước một ngày, được đưa lên rừng; phải chặt tre, đốn gỗ làm nhà, làm lán mà ở; tha hồ cho muỗi đốt, vắt đeo.
Mới chia tay, chọn đơn vị chưa được bao lâu; giờ gặp lại , mừng mừng, tủi tủi… Nghẹn lòng khi hay tin mấy bạn cùng khoá đã bỏ cuộc chơi vào giờ thứ 25 của cuộc chiến.Vừa thương bạn mà cũng xót thương cho chính bản thân mình. Ba khoá 27,28, 29 cùng lon, cùng Mẹ, cùng được giam một nơi, chắc ý Trời muốn vậy? Nhưng truyền thống không cho phép cá mè một lứa. Vẫn NT, vẫn xưng…em (trong TRƯỜNG cấm xưng em, cho là yếu đuối). Mặc cho thiên hạ xầm xì, bàn tán. Tội nhất là có thằng em K31 cũng bị đi. Hỏi ra là do địa phương hiểu lầm VÕ BỊ ra trường là Thiếu uý. Nghĩ kỹ cũng đúng thôi, vì Trường đóng cửa rồi, hơn nữa có câu: Nhốt lầm hơn bỏ sót. Hi hi! Hắn là em út, lại là độc nhất nên được đàn anh hết mực thương yêu, tha hồ nhõng nhẽo. PHẠM VĂN HÙNG k28 chọc: Ê, TRUNG! giờ này tao bắt mày bò, mày có bò không? Hắn tủm tỉm cười: NT bắt em bò, em đâu dám cãi.
Thời gian đầu, chưa thấm, vì còn học Chính chị, chính em; đất canh tác chưa có. Lương thực đem theo còn trám được bao tử, nên” chí còn toan tiến bước”. Mười ngày có là bao? Ai mà chẳng nghĩ như vậy. Hồi còn trong Trường được học môn thoát hiểm, mưu sinh. Giờ mới thấy MẸ dạy không thừa. Nghe chim sẻ con kêu trong ổ, trên những lỗ thông hơi của nhà vệ sinh; anh kề tai thằng TRUNG rủ đi bắt. Chỉ một lúc sau, hai anh em bắt được vài chục chú chim con, còn trứng thì đầy bốn túi áo. Lựa ra hai chú, còn bao nhiêu nhổ lông đem nướng; luộc trứng mời bạn bè ăn. Nhưng đa số lắc đầu, vì thức ăn đem theo còn nhiều; hơn nữa” Quan” đâu ăn thứ ấy. Thế là anh, HÙNG và thằng em ngốn sạch. Để giết thời gian, quên hiện tại, anh xúi thằng em chôm giỏ sắt của nhà bếp lấy kẽm làm khung lồng bẫy; gỡ lưới nuôi cút trong khu gia binh làm thanh lồng, lấy chỉ trong bao cát trên lô cốt, se lại đan lưới. Nhờ nhiệt tình, hai ngày sau thì hoàn thành. Chim mồi là hai chú sẻ non, anh dạy cho thằng em cách gài bẫy, hắn canh chừng bắt chim vướng lưới, nhổ lông làm thịt. Còn lão HÙNG thì trổ tài câu nhái. Hắn không cần lưỡi câu; nếu so với KHƯƠNG TỬ NHA đời nhà CHÂU xứ TẦU PHÙ Thì hắn giỏi hơn nhiều. Đồ nghề gồm một cần câu không có lưỡi, với cái vợt làm bằng bao cát. Đầu tiên hắn lội bì bõm dưới ao, bắt cho được một con nhái. Sau đó ngắt nguyên cái đùi sau của nhái làm mồi câu. dây câu được cột vào bàn chân của mồi câu rồi thả xuống ao rau muống. Thấy mồi, nhái dàn hàng ngang”xung phong” đớp. Nhưng mồi to quá, nuốt không được, đành ngậm chặt chờ thời. Chỉ chờ có thế, LÃ VỌNG An Nam lôi lên, đưa túi”càn khôn” ra hứng rồi niệm chú: nhả ra. Nhái nhìn thấy “hung thần”, khiếp quá nhả mồi, rơi tọt vào bao. Hắn giải thích không dùng lưỡi câu vì sợ nhái bị tổn thương, lại đỡ mất công gỡ lưỡi, vẹn cả đôi bề.
Ngày, tháng tà tà trôi; ngoài thức ăn được cấp phát, nhóm của anh còn có thêm chim, nhái để đủ sức “thi gan” cùng giặc.Những lúc chỉ dính được hai con chim, hai thằng anh nhường hết cho thằng em. Ăn xong nó tâm sự: Thế này, em thich mỗi ngày dính hai con thôi. Nhìn thằng em cười, hai thằng anh phải quay nhìn hướng khác để giấu hai giọt nước mắt chực rơi.Trong TRẢNG LỚN chỉ có chim sẻ, dòng dọc, cút. Nhưng lúc đông về, chim én làm gì cho hết. Chúng bay lượn quanh doanh trại như vào chỗ không người, mỏi cánh chúng đậu đầy trên dây điện. Một ông NT k27 hỏi anh: Chú mày bắt được chim én không? Anh cười: Dạ, được. nhưng không có chỉ để làm bẫy. Ổng về trại đem cho anh nguyên một cuộn chỉ may quần áo. Có chỉ rồi, anh xuống nhà bếp, xin hai thanh tre trong sọt đựng rau, ngồi vót bẫy. một giờ sau là có mười cái bẫy. Lại xuống nhà bếp bắt ruồi( con lằng xanh) xong ngoắc thằng em đi bẫy. Nó chưa tin tài anh, nên chối khéo:
– Em ở nhà, NT bắt về em nhổ lông?
-Có ân hận không?
– Dạ, không.
Nó tưởng chỉ dính vài con là cùng. Nhưng chưa đầy hai tiếng đồng hồ, anh đem về hơn ba mươi con; thằng em nhổ lông mệt xỉu, miêng kêu trời không thấu. Thấy bẫy ít quá, nó đề nghị làm thêm. Anh bảo nó: Không cần, tao đang xài kế KHỔNG MINH dụ TƯ MÃ Ý làm Mộc ngưu lưu mã đây; vài ngày nữa không có sức mà bẫy, cần gì làm.Thằng em sợ nhổ lông rồi, xung phong đi bẫy. Anh giao hắn đi bắt ruồi, mà phải bắt sống không được đập chết.(Đúng với câu ca: Còn thời cưỡi ngựa, bắn cung. Hết thời, bắt én, chổng mông bắt ruồi) Nó than khó lắm. Anh bày nó xuống nhà bếp xin ruột cá, bỏ vào bọc nylon, chờ ruồi bu vào rồi bịt miệng bao lại. Nó ngớ ra, khen: NT hay thiệt. Bái phục, bái phục. Thiên hạ chưa từng được nếm nên thắc mắc: Thịt én có ngon không? Câu trả lời là: Ngon hơn cá khô trại cấp phát. Một nhà thơ từng nghêu ngao” Một con én không làm nên mùa xuân”. Đúng! Nhưng chục con én thì nấu được nồi cháo. ” Chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Qủa như anh dự tính, thiên hạ thấy tụi anh bắt én dễ quá nên bắt chước, anh chỉ cho cách làm; còn cho một cái để làm mẫu. Lúc đầu cũng dính được vài con, nhưng rồi không dính nữa; nản bỏ lền khên tha hồ mà nhặt. Bí quyết ở chỗ én chỉ ăn mồi sống, con ruồi còn cựa quậy, chân còn phải ngo ngoe nhảy đầm. Chứ chết hay bị khô vì gió, nắng thì không bao giờ chúng ăn.
Thấm thoát đã gần sáu tháng mà ngày về thì mù mịt, xa xăm.Càng ngày càng đói rã rời. Chim trời khó bắt; chỉ còn một loại vừa nhiều, vừa dễ bắt là chuột. Chuột có hai loại là chuột cống và chuột rừng. Bẫy bắt chúng là những thùng đạn Đại liên M60 chế ra , mồi là cơm, là gạo. Cơm, gạo trong tù quí lắm em ơi! Nếu dính thì huề vốn, còn trật thì phí phạm của”giời” tội chết! Ông bà ta thường nói” Ăn mày cũng phải có ống lon” ý nói nghề gì cũng phải có vốn. Mà vốn của bọn anh là miếng cơm cháy bằng hai ngón tay; được nhà bếp chia cho trong lúc chia cơm. Gom hết cơm cháy của anh em làm mồi bẫy chuột, quả là liều; không có” hùng tâm” thì không làm được. Thế rồi đua nhau vũ trang, Chiều chiều thấy phái đoàn gánh gồng bẫy đi bẫy chuột, anh liên tưởng tới những ngày tản cư, chạy loạn ở quê anh . Nhiều người đi bẫy quá nên khó kiếm được chỗ gài. Chuột ít người nhiều, cũng xảy ra cảnh bị phỗng tay trên; lầm bầm chửi rủa. Thật là” Ở đâu cũng có anh hùng, ở đâu cũng có thằng khùng, thằng chôm”. Anh cũng tham gia, nhưng bẫy của anh là bẫy cò ke; được làm bằng chỉ may bao cát se lại, cần được làm bằng thép công xẹc ti na, nên gọn nhẹ, không đụng hàng. Điều lợi nhất là không cần gài mồi. Cứ tìm trong luống rau muống, nếu thấy đường mòn là đặt bẫy vào, không làm xáo trộn hiện trường, không hư hại rau muống.( Tháng nắng, đêm chuột vào luống rau cắn rau, ăn rau thay nước, tạo thành đường mòn) Do đó chuột không sợ, nên bắt được nhiều hơn. Anh lại hướng dẫn thằng em cách tìm địa thế, cách gài và ngay cả cách thui lông, lấy hạch. Không riêng gì chuột mà tất cả thú bốn chân khác. con nào cũng có trên hai mươi cái hạch, nếu lấy hết thì không còn mùi hôi đặc thù nữa. Sở dĩ anh biết được là do bắt được nhiều quá, muốn để ăn dần nên làm chà bông. Khi luộc chín, xé nhỏ để giã thì phát hiện thịt màu trắng, còn hạch là màu hồng, nằm ở đâu trong cơ thể.Rồi cứ thế mà”phát huy”. Mấy tên nằm gần doạ anh: Mày ăn nhiều lỡ dịch hạch thì sao? anh phải trấn an nó: Tao ăn thịt chuột rủi bị dịch hạch chết không ức, chỉ tội cho mày không dám ăn , chết vì bị lây mới oán hờn, trách phận. Thấy HÙNG ướp sả, ớt, ngũ vị hương rồi kẹp nướng trong lò nấu cơm,thiên hạ xin ăn thử. Ăn xong, LẠI VĂN TIẾN Bác sĩ quân y phát biểu: Lúc ở ngoài, trước khi ăn cơm, tớ phải rửa tay bằng ancol. Nhưng giờ tớ tuyên bố thịt chuột ăn rất ngon.
Lâu dần, vì ăn uống thiếu chất, bị giam giữ chật chội, hai bênh phù thủng và ghẻ phát sinh. Một thằng em k 29 tới năn nỉ: Em bị phù thủng, uống cám hoài mà không hết, NT cho em vài con chim. Chính hắn lúc nhập trại, anh mời ăn thịt chim sẻ hắn chê, chọc hắn: Mày trở thành Phù thủng THIÊN VƯƠNG rồi à! Xong kêu thằng em cho hắn thịt chim và một lon guigoz chuột chà bông. Trong B có ông chú tên VŨ KIM CHI, tướng ốm nhom, bị phong ngứa. Một hôm trong bữa ăn, ông đem nửa chén cá được chia tới chỗ anh, ổng nói: Tôi bị phong ngứa, ăn cá vào, tối gãi khổ lắm. Anh làm ơn đổi cho tôi một con chim. Nhìn ông , anh cầm lòng không đậu. Gắp cho ông hai con và bảo:Thức ăn bên này con có rồi, chú đem về bên ấy cho anh em ăn. Mai con biếu chú lon thịt chà bông. Rồi từ đấy thỉnh thoảng bảo thằng em đem phần của anh biếu ổng. Nằm cách anh hai thằng là tên Giang; bị phong ngứa. Mỗi lần ăn cá, đêm về hắn gãi rung rinh sạp. Cạnh hắn có tên Tầu phù HỒ THỪA TÔN, có Cử nhân HÁN. Tụi anh đem câu thơ: Giang phong ngư hoả đối sầu miên. Thách hắn dịch. Tưởng dễ ăn, hắn dịch: gió trên sông thổi làm nỗi buồn kéo dài. Cả bọn chê là dịch dở, rồi phân tích: Giang ở đây là danh từ riêng, không phải là sông.Phong không thể dịch là gió mà là bệnh phong ngứa. Ngư là cá, hoả là lửa; cá gần lửa là cá nướng. Đối sầu miên là sầu liên miên. Cả câu thơ này phải dịch là: Tên GIANG bị phong ngứa, đớp cá nướng là gãi chết mẹ. Ôi! “Cái học nhà nho, đã hỏng rồi” em gái ạ.
Mấy tên quản giáo thấy chim anh nuôi, thích lắm nhưng ngại, không dám xin. Anh nghĩ tới ông chú nên gạ: Anh thích nuôi, tôi biếu
anh một đôi, nuôi cho vui. nhưng tôi không biết làm lồng. Hắn hỏi: Trong B mình, ai biết làm? Anh giới thiệu ông già CHI, thế là ông được nghỉ cuốc đất ba ngày để làm lồng chim. Tội nghiệp ông mừng nhưng lo là không làm được. Anh bảo ông yên tâm, rồi trao đồ nghề và dạy ông làm. Anh dặn kỹ thanh lồng phải làm thưa; thanh nọ cách thanh kia là hai ngón tay ghép lại. Chú theo cách con bày, chú sẽ được nghỉ nữa.. Ba ngày sau, lồng làm xong. Anh mất hai con chim để” triều cống”, vui vẻ cả ba bên. Rồi một tuần sau, quản giáo tìm anh , tay xách cái lồng không; còn chim thì vù khỏi lồng từ trưa rồi.. Em biết sao không? Lúc đầu chim còn mập, chưa có gì xảy ra. Nhưng một tuần sau, chim gầy đi vì sợ và thiếu ăn nên chui qua nan lồng dễ dàng. Chim quen ăn chuối, sổng ra nó bay vòng vòng trong trại, mổ phá chuối của cải tạo treo trên xà nhà. Anh nói với quản giáo: Chim mến người rồi, đâu bay đi. Nó đang mổ chuối kia kìa. Anh bảo ông già làm cái lồng khác, dặn ông làm thanh dầy hơn một tí, tôi bắt lại cho. Thế là hắn lại nghe lời, ông chú được nghỉ ba ngày nữa . Rồi cha này bắt chước cha kia, rủ nhau xuống xin chim, anh hứa bắt cho mỗi người một cặp. Ông chú làm lồng mệt nghỉ.Thấy bắt chim dễ quá, nhiều tên gạ đổi lồng bẫy với giá hai bánh thuốc lào to đùng. Mấy thằng em đang đói thuốc, thấy thế xúi anh đổi; cam kết sẽ ăn cắp sọt sắt hoặc gỡ gai kẽm cho anh làm lồng mới. Anh phải giải thích: Nếu không đổi thì chim một mình hưởng; còn đổi thì chia đôi vì họ cũng có lồng bẫy như mình, chưa kể họ siêng hơn thì mình thua chắc. Anh nghĩ ra cách xin thuốc lào của mấy tên quản giáo cùng quê HẢI PHÒNG và đi kể truyện TẦU cho mấy bố già nghe để xin thuốc khéo. Cứ kể tới chỗ gay cấn là xin kiếu về hút thuốc,thế là mấy bố móc phần thuốc được chia hằng tháng ra cho, để nghe anh kể tiếp.
Rồi một hôm, toàn đội được thông báo: ai muốn đi phép 7 ngày thì lên gặp quản giáo. Anh là con bà Phước nên chẳng quan tâm. Cuối cùng sàng lọc được hai tên, với điều kiện phải nộp mỗi tên 100 con vịt con, sau khi hết phép. Ông bà dạy: Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, thích nghèo nuôi vịt. Thế rồi, khổ càng khổ thêm; lúc đầu vịt còn bé , chưa sao. Nhưng vịt lớn dần, phần cơm cũng bị bớtđể nuôi vịt. Ông già CHI được chỉ định nuôi vịt; tội lắm em ơi! Cứ khoảng tám giờ tối, ổng lén trao cho anh gô cơm trộn nước( cơm của vịt) rồi dặn: Cơm sạch, tôi để riêng, anh nấu cháo húp cho đỡ đói.
Nếu để vịt sống, nghĩa là vịt không chết thì bọn anh chết. Bọn anh bàn kế hoạch: Thả biệt kích diệt vịt…cồ. Biệt kích là chuột cống. Bẫy chuột cống đem thả vào mấy hang cũ, cạnh chuồng vịt. Tụi chuột lợi hại thật; mỗi đêm chúng tiêu diệt vài tên, chưa kể thương binh. Cuối cùng chỉ còn khoảng hai mươi con để ăn mừng ngày thành lập quân đội nhăn răng.
Mỏi mòn trông ngóng ngày về. Nhiều tên chơi cầu cơ, bói quẻ. Nhưng tất cả đều ngoại càn khôn. Mười ngày”đông dương” khó lường năm tháng. Sấm Trạng Trình xuất hiện : Bao giờ cọc sắt trổ hoa, Kẽm gai có trái thì ta mới về. Mấy cha Nam kỳ nghe tắc kè kêu, phiên âm thành: Hết về! hết về.! Thảm não vô cùng. Đã gọi là sấm nên linh ứng thiệt. Cải tạo viên lấy cọc sắt chôn bên ao rau muống để làm giàn mướp. Vài tháng sau, rau muống bò lên cọc sắt trổ hoa. còn trên giàn mướp, kẽm gai lủng lẳng quả. Trong lúc đó đài phát thanh thông báo cho gửi quà, thăm nuôi. Cải tạo được viết thơ về nhà thông báo địa chỉ, nhu cầu. Nhưng tất cả thư không được dán kín. Vì vậy mới có những chuyện cười ra nước mắt. Thơ gửi về nhà thông báo sức khoẻ viết: Ba má yên tâm, sức khoẻ con vẫn bình thường. Dạo này con mập mạp như ông Sáu , chồng dì Tư. Nhà hỡi ơi, vì ông Sáu ho lao, ốm nhách. Còn muốn xin tiền thì viết: Con bị kiết, má biểu thằng Út mua cho con vài vỉ’. Thuốc Pháp thì hiệu l’argent còn nếu thuốc Mỹ thì hiệu money. Thằng em dư hiểu thằng anh muốn gì.Tới lúc nhận quà, má dặn qua thư: Bác hai Tiền ghé nhà, hay tin con bác gửi cho co gô muối đậu. Thằng con suy luận: Họ hàng đâu có ai tên tiền . Vậy má để tiền trong gô muối đậu.
Suốt thời gian”Cải tạo”, học chính trị bao nhiêu bài anh chẳng nhớ; giảng những gì quên mất tiêu. Lúc đầu thấy mấy chả giảng thao thao bất tuyệt, anh cứ nghĩ mấy tay chính trị viên cũng có trình độ nhưng tiếp xúc vài lần mới rõ chỉ là những cuộn băng thu sẵn. Riêng Sơ yếu lý lịch anh cứ tưởng viết sơ sơ, ai ngờ truy tới ba đời. Tội mấy”Quan già” nhà mình khai mệt nghỉ, hỏi thăm nhau lung tung. Khai xong phải lưu lại hoặc tìm cách nhớ rõ từng chi tiết vì còn phải khai dài dài. Nếu trước sau bất nhất là khổ đời ngay.
Ngoài những ngày lên lớp học chính trị, bọn anh biết thế nào là vinh quang của lao động. Cũng đủ ngành nghề mộc, gò, rèn, trồng trọt…Nói chung thời gian đầu chưa phê, thời gian rảnh còn nhiều; mỗi người chọn một nghề do bạn bè truyền thụ. Đúng là chốn ba quân có rất nhiều người tài, cầm, kỳ, thi, họa đủ cả. Riêng môn cờ tướng mới có nhiều chuyện vui: Quân cờ được làm từ củi của nhà bếp giao cho bổ. Khắc bằng dao tự chế, quân cờ không cần học cũng thuộc vì ăn cơm xong bắt thăm bằng con cờ, ai bắt trúng phải rửa chén ( y hệt trong truyện THUYẾT ĐƯỜNG bốc thăm, sai người xuống địa huyệt mà anh mù chữ TRÌNH GIẢO KIM bắt nhằm chữ KHỨ). Thí dụ nhóm có 5 người thì bỏ vào hộp 4 con chốt và một con pháo. Ai bắt trúng con pháo thì phải rửa, có nhiều tên cẩn thận đi hỏi nhiều người nếu đúng mới chịu thi hành, lâu dần thuộc làu làu. Muốn đánh cờ thì có người dạy, học phí chẳng là bao, vài bi thuốc lào là quá đủ. Có thằng em K 29 mới biết chơi ham lắm nhưng thua hoài. Độ là mấy bi thuốc lào; trong ba ván. Hắn thua luôn hai ván, không chịu chung lại còn nhái giọng cụ TRẦN khi nói với DƯƠNG Đại Tướng: Thưa Đại Tướng, bi thuốc lào không phải là cái khăn mouchoir mà tôi móc ra nói đây tôi chung cho Đại Tướng.Bạn bè tôi ngồi kia, Niên Trưởng tôi ngồi đó; thử hỏi Đại Tướng dám “thu hoạch” tôi không? Mọi người cùng cười, đành xù cho hắn.
Tôn trên mái nhà khu gia binh được lệnh gỡ xuống để gò thành Valy, thùng tưới, nắp chảo… Nhiều cái valy được trạm trỗ Rồng, phượng cả tháng trời mới xong, tất cả được “xuất khẩu” ra miền Bắc.Cuối cùng , cải tạo viên được huy động ra phi trường cắt tranh về lợp lại mái nhà. Rồi thảm cảnh xảy ra là cả chục anh bị cưa cẳng vì đạp phải mìn trong phi trường TRẢNG LỚN. Ôi! việc làm đầy sáng tạo!
Thấm thoát sắp hết năm, Đội phát động làm báo liếp ( Báo giấy viết một mặt rồi dán vào manh liếp đan bằng tre).Tất cả mọi người đều phải tham gia. Tiêu chuẩn là một bài thơ hay một bài văn. Đúng là trăm hoa đua nở! Người người lăng xăng, lít xít viết…
Anh đang bổ củi thì một thằng em tới năn nỉ: Để em bổ củi cho, NT viết dùm em bài thơ . Anh vừa mệt vừa tức cười, chọc nó:
_ Mày biết ngày xưa ông TẢN ĐÀ nói thế nào không?
_ Dạ, không.
_ Trong lúc xỉn rượu, lại bị nhân viên tòa soạn tới thúc làm thơ. Ổng cáu quá gắt: Làm thơ chứ đâu phải bổ củi mà mày bắt tao bổ lúc nào cũng được.
Thế là anh trao búa cho nó bổ ba khúc củi to đùng, rồi chép cho nó bài thơ Nhớ quê. Bài thơ như vầy:
Chuối chặt buồng, trụi lá
Cơm, bột mì, khô cá, rau răm.
Ai về chốn cũ cho thăm,
Đường xưa, lối cũ bây giờ ra sao?
Biệt tích âm hao !
Tội nghiệp thằng em mừng húm đem đi nộp, nhưng bị trả lại vì không hợp quan điểm. Nó đem lại bắt đền, anh đành ép bụng viết cho nó bài: THƠ CHÚC MẸ.
Đầu xuân con kính chúc Mẹ hiền ,
Cầu mong tuổi Mẹ mãi thêm lên.
Ở đây học tập con xin hứa
Tuyệt đối tuân hành chỉ thị trên
May bài thơ được dán, không thì mất uy với thằng em. Bổ ba khúc củi đổi hai bài thơ, thú thật anh quá lời.
Đã tự dăn lòng là không ăn” bánh vẽ”, thế mà chỉ sau một ngày” lên lớp” cả bọn xung phong lên rừng. Bị dụ khị: Các anh đã hoàn tất việc học chính trị để thông suốt đường lối của “đảng”. Giờ là lúc các anh thể hiện bằng lao động hăng say; tạo dựng vùng kinh tế mới. Thời gian sau các anh quen lao động, tự nuôi sống bản thân cùng gia đình; lúc đó các anh muốn đem gia đình lên cũng tốt thôi! Hai chữ” tốt thôi” đã làm bao người đắng họng. Anh cũng xung phong, không phải thích ăn bánh vẽ mà thích chim chóc, thú rừng. Hơn nữa không xung phong nó cũng bắt đi, vì anh có xung phong đi học đâu mà cũng bị nhốt vậy. Xin gởi lời chào tạm biệt TRẢNG LỚN .
Địa điểm mới là Cây cầy A, Đồng Ban thuộc chiến khu Dương Minh Châu. Cũng may nhà cửa, bếp núc có sẵn của toán trước để lại nên không được nằm gai, nếm mật như Câu Tiễn năm xưa. Dù thích chim rừng nhưng cũng não lòng khi nghe tiếng chim Cú rúc từng đêm. Bài ca Rừng Lá Thấp viết hay quá thể, một thằng nào đó hát lên:”… Nhưng giữa rừng già tôi có thấy gì đâu”. Buồn ơi ta lại gặp mi!
Rồi tiếng chim rừng ngoài Trảng, tiếng gà rừng eo óc gáy, nhất là tiếng gáy của chim Đa Đa đã cuốn anh ra khỏi nỗi buồn. Nghe chúng gáy: Bát cơm cát trả cho cha, ác đa đa! Hay: Xúc thóc lép cho bà.( Có tên sửa lại là: Đít bà xã tà tà! Đít bà già nhọn nhọn. ) Mới nôn nóng làm sao.
Lợi dụng thời gian rảnh, anh làm cấp tốc đươc hai mươi cái bẫy rồi rủ thằng em mò ra trảng tìm dấu chân, đặt bẫy. Buổi chiều hôm sau vồ được năm chú, tha hồ ăn. Thịt Đa Đa ngon tuyệt vời; màu lông sặc sỡ lại dễ nuôi nên nhiều tên gạ đổi lấy gà nhà đang đẻ, Thế là anh trúng mánh. Trên cao có chim, thú; còn vũng, đầm thì lươn làm gì cho hết. Lồ ồ ở Đồng Ban thẳng, to và dài lóng nên làm ống trúm thì không chê vào đâu được.Môn này phải gọi mấy vị ở miền Tây là thầy.Bọn anh ăn lươn đủ kiểu: nướng, um, xào, sau ngửi thấy mùi rau răm là sợ. Sướng nhất là không phải đào giếng vì Đế Quốc Mỹ đã đem B52 đào trước cho rồi.
Tiếp đến là thú rừng: Nhím, chồn, heo phá mì của vệ binh, quản giáo; anh xin bẫy dùm nên được chấp nhận ngay.( Không dám đụng heo rừng vì không có dây cáp) Hết đói rồi vì mì bị nhím phá nên”Đục nước béo cò”. Anh nhổ mì bị Nhím phá đem nộp cho quản giáo( giả bộ thật thà đó em ui!). Nhưng được cho lại hơn phân nửa, đem về luộc ăn với thịt rừng ngon hết biết. Rồi nhổ tỉa mì bằng cách lung lay gốc, lựa củ to bẻ sát gốc xong lấp đất lại ; họa chăng vợ chồng Thượng Đế mới thấu rõ thôi.
Nghỉ ngơi ổn định chừng năm ngày; bọn anh được trang bị cưa, búa, rựa để phá rừng lấy đất canh tác. Cùng lúc ấy, mấy gã gốc Công binh được tập họp để làm đường, bắc cầu qua suối. Từ mép rừng tới trại khoảng mười km. Đường được phóng, cây tề sát đất, những chỗ úng, sình được lót bằng những thân cây.
Chưa ở đâu trên thế gian này mà Sĩ Quan thua trận được chăm sóc kỹ như ở Cây Cầy A – Tây Ninh – Nam VIỆT NAM. Trong bếp có 5 Bác sỹ vo gạo; 10 Dược sỹ nhặt rau, rửa chảo, soong, nồi; chưa kể 20 sĩ quan cấp Uý cung cấp củi. Bệnh thì ngoài Y tá, Bác sỹ XHCN còn có các Bác sỹ quân y của VNCH. Nhưng thừa Thầy, thiếu thuốc! Chỉ có dầu cù là, thuốc đỏ và Xuyên tâm liên. Những kẻ thất tình thường xâm hình trái tim bị mũi tên xuyên qua rơi vài giọt máu. Còn ” Xuyên tâm liên” có lẽ là xuyên liên tiếp qua tim; không có máu nhưng chắc chắn tê buốt tận cùng với nỗi rứt ray: Quê hương, gia đình tan nát!
Những hôm mưa tạt, gió lùa; củi ướt nên cơm bị sống ăn vào bị đau bụng. Bọn anh lên Trạm xá được Ytá đưa cho lọ dầu cù là, tự vén áo bôi vào rún rồi cám ơn ra về. Sau này ngại cho người ngoài” nhòm ngó” và để tiết kiệm thời gian; bọn anh nảy ra sáng kiến: Tìm trong bạn bè thằng nào có rún sâu nhất, đại diện đi xin. Anh ta có nhiệm vụ móc cù là trám đầy lỗ rún rồi chạy ù về nằm ngửa trên sạp tre, hối bạn bè ” chia xẻ” gấp vì nóng quá chịu không nổi. Băng VÕ BỊ rất đông người nên một con ngựa đau cả tàu đi xin thuốc.Thí dụ một tên bị kiết lỵ, 10 thằng khai bệnh rồi dồn thuốc cho tên đó uống khùng luôn; vì thế nhà bếp nhiều lúc bị trách oan.
Trở lại chuyện phá rừng. Cứ tưởng của chung không ai khóc hoặc “của Chùa” nên đồ nghề đâu thèm bảo quản. Đâu ngờ dụng cụ chỉ cấp một lần, hư hỏng xin cấp lại thì luôn nghe điệp khúc” khắc phục”( Hên không là cắc bụp.) Sợ nhất là hạ cây bị kẹt hay gẫy cưa, lúc đó phải hạ cây bằng búa, ứ hự thân gầy! Nhưng khổ nhất là lúc đốt, dọn đất. Mỗi tên được khoán 1m khối gỗ một ngày. Càng đông càng khó đạt” chỉ tiêu”. Đành chia thành từng toán nhỏ. Củi được xếp thành từng dãy vài chục ster, chờ xe tải lên chuyển về Thành phố. Chủ xe mua cây thường là mấy mụ sồn sồn. Nhìn mấy mụ ỏn ẻn bên chàng là gan lòng bọn anh co, thắt. Chỉ cần một nụ cười và một chiếc nhẫn” trao anh” là tanh bành thêm năm, bảy khối, toi mất ngày chủ nhật XHCN. Hèn gì người xưa có câu: một giọt nước mắt của đàn bà, mạnh bằng một ngàn lít acid. Ôi! sức mạnh của mỹ nhân, vạn năng khi mua… củi?
Trời Tây Ninh nắng như thiêu đốt. Thiếu nước tắm, nếu bọn anh cười thì anh ba HYNOS phải chào thua. Bởi vậy mới có câu: Tây Ninh đi dễ, khó về. Lúc đi là Việt, lúc về thành…Miên. Lâu dần cực khổ cũng quen ; bắp, mìcủa cải tạo xen lẫn với vùng canh tác của quản giáo mà công trồng, làm cỏ là của cải tạo viên còn bán lấy tiền là quyền quản giáo. hi hi.
Ông bà bảo: Thà làm đầy tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại. Nhưng thân phận bọn anh lúc này thì thằng dại lại làm thầy! Trồng đậu phộng( Miền bắc gọi là Lạc) thời vụ là ba tháng. Nhưng tới khi lá gốc đã chuyển màu vàng vẫn chưa được nhổ. Cuối cùng phải thâu hoạch bằng cách một thằng cuốc cho ba thằng lượm. Vì gốc đậu bị rụi. Nhờ vậy bọn anh mới có giá đậu luộc ăn.Cũng dùng dây đậu để nấu củ đậu. Chợt nhớ đến bài thơ của TÀO THỰC làm khi bị TÀO PHI ép tới bước đường cùng:
Dây đậu nấu củ đậu,
Đậu trong nồi ngồi khóc.
Cùng một Mẹ sinh ra,
Nỡ giết nhau gấp vậy?
Đọc nho nhỏ vừa nghe vậy mà có đứa đỏ hoe hai mắt em ạ.
Sau khi thu hoạch, lương thực không được cấp phát nữa. Bọn anh hoàn toàn sống dựa vào bắp cùng măng. Rau xanh thì bạt ngàn, toàn là cải Tàu bay còn gọi là cải Trời. Luộc ăn, nhét đầy bao tử cho nó khỏi thét gào chứ béo bổ gì đâu. Em đọc câu: Lửa cơ đốt ruột, dao hàn cắt da chưa? Hồi nhỏ anh đọc nhưng giờ mới thấm. Lúc đói quá ruột gan nóng như có lửa đốt bên trong.Còn lạnh quá mức ta có cảm giác như có dao cứa vào da thịt vậy.
Lại còn câu: Đói ăn rau, đau uống thuốc. Nhưng cải tạo phải sửa lại là đói ăn rau( Tàu bay) còn đau thì chết giấc. Ôi! cung kiếm nay còn đâu???
Bắp già muốn hầm thì phải có vôi. Nhưng ở đây chỉ ninh cho toét ra thôi. Vỏ còn bám chặt nên lúc nhai, lưỡi cảm thấy nham nhám khó nuốt vô cùng.Trẻ đã vậy, còn già thì hết phương. Nhiều ông già đẽo chày giã bắp trong tô. Nếu cụ TÚ XƯƠNG sống lại, thấy cảnh này phải sửa lại bài thơ chúc tết:
Lẳng lặng mà nghe chúng thở than,
Bắp hầm vôi thiếu, vẹo răng” vàng”.
Phen này ông lại đi buôn cối ,
Để chậm, nhiều QUAN rớt nguyên hàm.
Khổ cực là vậy, nhưng tụi trẻ bọn anh vẫn lỳ đòn vì mới ra Trường, vợ con chưa có. Nếu lỡ làm đám hỏi thì các em đã có câu:
Má ơi! cách mạng tới rồi,
Mấy đám hỏi “Ngụy” Má …hồi dùm con.
Tuy nhẹ gánh vợ con nhưng còn cha, mẹ, đàn em thơ dại ở quê nhà. “Ra đi” không nỡ; thôi đành làm TÔ VŨ chăn dê kéo lê kiếp sống đọa đày, chưa hẹn ngày trở lại…
Nhưng nơi đây gần biên giới MIÊN Nên có nhiều em nhen nhúm ý vượt trại. Nếu không thoát, bị bắt lại thì thê thảm vô cùng. Hai chân bị cùm bẳng cùm gỗ. Cùm làm bằng hai thân cây chập lại, giữa mí hai cây được khoét hai lỗ tròn vừa với cổ chân; hai đầu cây được khoan, bắt ốc vít. Tội nhẹ thì cùm một chân, vừa vừa thì cùm hai chân còn nặng thì thêm cả hai tay. Một cùm, cùm được vài người tùy theo cây ngắn hay dài. Khóa anh cũng có vài anh ra đi không thèm trở lại (mất tích).
Lên rừng tuy khó khăn nhưng đỡ khổ hơn TRẢNG LỚN. Không còn bị nhồi chính trị, bị giam giữ trong mấy hàng rào kẽm gai. Những gia đình khá giả có thể lén thăm, tiếp tế lương thực cho người thân.Hai thứ thèm nhất là đường và thuốc hút. Thèm ngọt vô cùng, có thể ăn một lúc một kg đường tán mà không cần giải lao.
Rồi có tin đồn sắp”biên chế”; danh sách được sắp xếp lại. Ai cũng tin mình kỳ này có thể về. Nghe gọi tên mình có anh hào phóng tặng bạn bè những vật dụng lỉnh kỉnh, đường, kẹo… Một anh quản giáo tốt bụng xì cho biết: Chưa được về đâu. Đừng cho, đem theo đến chỗ mới mà dùng; cho hết là khổ đấy.
Cũng có lúc con người ta thật thà với nhau. Một ông quản giáo cùng quê ngoài Bắc hỏi anh:
– Mày dại thế! Sao không rút theo MỸ, ở lại làm gì để khổ?
-Đi đâu dễ anh, tụi tôi là bộ binh phương tiện đâu mà đi. Hơn nữa tụi tôi nghĩ các anh không thể thắng vì hồi MẬU THÂN các anh có yếu tố bất ngờ mà không làm gì được nữa là.
Rồi anh ta chép miệng thở dài khuyên:
-Cố dằn lòng, giữ miệng, viết thơ cẩn thận; kiểm soát kỹ lắm đấy. Không phải làm kiết xác mà về được đâu. Tụi mày còn sướng hơn bọn tao. Tụi mày có vốn liếng, có trình độ. Sau khi được thả về tụi mày có điều kiện làm lại; còn tụi tao dốt, nghèo không trình độ, không vốn liếng, lại đi sau đít con trâu thôi!
Ôi! Cám ơn anh đã cho tôi lời khuyên chân thật. Không biết giờ này anh ở nơi đâu? Có bao giờ anh nghĩ tôi vẫn còn nhớ anh không?
Thêm một lần dời chỗ; bọn anh được dời về TRẢNG TÁO, gần ga xe lửa sau một đêm di chuyển cũng bằng Molotova. Nơi đây là khu Kinh tế mới mà dân đã bỏ chạy nên cần bọn anh tới”Tiếp quản”. Mái tranh vách lá, khung cảnh tiêu điều. Lại làm lại từ đầu…
Phải đào giếng lấy nước. Đất TRẢNG TÁO rất khó đào giếng, vì chỉ cần đào xuống hai mét là đụng đá xanh non. Màu xanh giống đá mài dao, giữa hai phiến đá được gắn với nhau bằng một lớp màu vàng vàng như mỡ bò. Đào qua lớp đá không khó khăn mấy nhưng về đêm cứ nghe những tiếng ùng ùng rơi xuống nước. Thế là lại hốt lên đào xuống, tuần tự tiếp diễn. Nước ăn vô cùng khan hiếm. Anh và một thằng bạn được phân công đi lấy nước cho nhà bếp. Hai thằng ra những giếng của dân bỏ dở, một thằng ở trên thòng thùng xuống, thằng dưới giếng dùng tay móc một lỗ sâu rồi cầm lon chờ nước rỉ ra múc vào thùng. Nguyên buổi sáng chỉ được hai thùng, hèn gì dân bỏ chạy.
Một toán đào giếng được huy động. Một cái giếng đường kính sáu mét, với ba mươi người đào. Sở dĩ giếng rộng như vậy là để tránh bị chôn sống khi giếng sụp, lở. Trong lúc vắng quản giáo, anh em đùa vui: Đào giếng đội mũ cối, kéo đất dùng nón sắt. Nếu sụp giếng mà chết, sau này con cháu khảo cổ khai quật lên thấy mấy bộ xương hóa thạch cùng xà beng, cuốc chim và hai loại nón. Chúng nó suy luận tại đây đã xảy ra một cuộc chiến. Nhưng nói phe nón sắt thua chắc chắn bị coi là khùng…
Rồi bổn cũ soạn lại. Cũng cưa, búa, rựa, cũng phá rừng lấy đất trồng cây lương thực. Chỉ vui là được tiếp xúc với dân, được ra ga mua đồ lặt vặt. Nhưng vui thích nhất là cứ khoảng mười giờ sáng là xe lửa chạy qua chỗ bọn anh phá rừng. Dân trên xe lửa quăng thức ăn cho cải tạo. Nào cốm, mía, đường, thuốc hút. Nhiều bàn tay vẫy vẫy, cũng có vài Mẹ già kéo vạt áo lau nước mắt.Chắc lúc này dân chúng mới hiểu và thương bọn anh em nhỉ?
Lại có một ông Trung Uý “Biệt phái” được phân công đi cắt tranh ở ga GIA HUYNH. Vừa ra ga TRẢNG TÁO ổng gặp đồng nghiệp nữ dạy cùng Trường; cô giáo có chồng là TH/úy BĐQ nên bị đuổi; đành đi bán chuối. Cô tặng Thầy nải chuối sau khi hỏi han sức khỏe. Thế đã hết đâu, vừa bước lên xe lửa, Thầy lại thấy mấy đứa học trò đi bán cốm. Chúng thể hiện câu” Tôn sư trọng đạo” bằng mấy bịch cốm tặng Thầy. Nhờ vậy mới có bài thơ
NGẬM NGÙI
Cô giáo bây giờ đi bán chuối.
Ông thầy dạo nọ bận kiếm tranh.
Học trò bán cốm trên xe lửa,
Nửa xót thương Thầy, nửa…thất kinh!
Ngày tháng chầm chậm trôi. VIỆT NAM được kết nạp vào Liên Hiệp Quốc, cũng là lúc anh được thả về.Trong đó có khoảng mười tên k28. Khi ra ga bọn anh được NT HUỲNH CÔNG KỈNH k25 mua tặng cho mỗi thằng em một vé tàu về lại SÀI GÒN.
Xe hụ còi rời ga, ông anh vẫy chào đàn em; Xe từ từ lăn bánh. Cả bọn quay đầu nhìn lại rồi hình bóng ông anh mờ dần, mờ dần theo màn lệ.
VŨ VĂN TÁP K28.
__._,_.___