Bên Kia Khung Cửa

Bên Kia Khung Cửa

20845703

Cao Xuân Lý

Tăng chống một tay vào tường, tay còn lại cố vói cái ghế, và khi đã nắm được chàng kéo nó để vào chỗ có ánh nắng hắt vào rồi xoay người ngồi nhìn ra ngoài. Nắng buổi sáng rực rỡ đổ xuống con hẻm phía dưới, làm sống lại quang cảnh huyên náo của một ngày mới bắt đầu. Chàng có cảm tưởng ngửi được mùi thơm của những món ăn, từ những cái nồi còn đang bốc khói của mấy bà bán hàng ở ngôi chợ nhỏ đầu hẻm, gần nhà.

Ngôi chợ chỉ nhóm họp từ sáng cho đến mười giờ để bán mấy món ăn sáng cho những người trong xóm. Ngồi trên căn gác gỗ của Tăng, chàng nhìn thấy được trọn vẹn ngôi chợ này, thấy được cả từng người khách đang ngồi ăn, thậm chí còn thấy được dáng điệu của họ khi ăn, người khoan thai, người vội vã, nhưng với thái độ nào họ cũng lộ vẻ sảng khoái trên khuôn mặt, trong dáng điệu, trong ánh mắt, như những đứa trẻ vừa bú vừa mân mê vú me..

Ngồi quan sát người khác ăn trước khi mình được ăn, là cách làm tăng thêm hương vị của những món ăn ấy, mà Tăng thường áp dụng vào mỗi buổi sáng khi chàng ngủ dâ.y. Đó cũng là cách giải trí, một trò chơi của chàng trong những ngày giam mình trong căn gác gỗ chật hẹp. Từ khi bị cụt mất một chân, Tăng bị đẩy khỏi chiến trường đang trong thời kỳ sôi động để trở về căn gác gỗ này. Căn gác mà chàng đã miệt mài đèn sách từ những ngày thơ ấu cho đến khi đậu được mảnh bằng tú tài rồi đi lính. Và bây giờ sau mấy năm, trở lại căn gác gỗ ấy, chỉ để nhìn cảnh đời huyên náo ở phía dưới, mà chàng muốn tham dự sẽ phải rất vất vả mới lê được từng bước. Vì vậy, Tăng thường chọn thái độ đứng ngoài và đứng “trên”, để nhìn xuống với nỗi hậm hực trong lòng. Căn gác gỗ và Tăng đang bắt đầu một cuộc hành trình khác, không phải là đèn sách chuẩn bị vào đời như trước kia, nhưng chuẩn bị cho những ngày buồn thảm sau này.

Tăng cười thành tiếng trong cái ý nghĩ ấy, chuẩn bị là nằm lì, Tăng chỉ có thể nằm lì ở đây cho đến hết đời. Tăng cảm thấy thèm được sống hơn bao giờ hết, không một ước vọng cao sang nào, chỉ cần được như mọi người, có đủ tay đủ chân là đã hạnh phúc lắm rồi, hạnh phúc đơn sơ, đơn sơ đến độ những người đang đi lại dưới con hẻm kia không ai mơ ước cả, nhưng chàng vẫn mơ ước, dù biết rằng chẳng bao giờ được nữa . Rồi còn hai ngón tay trên bàn tay trái cũng mất nốt, để đến bây giờ nhìn lại, nó mang một vẻ vừa tội nghiệp vừa buồn cười. Tăng đang ngồi dựa lưng vào vách thì có tiếng guốc khua trên sàn gỗ, chàng biết là Cẩm, cô em gái lên để lo cho chàng ăn bữa sáng. Lâu ngày ngồi một chỗ và lắng nghe tiếng động ở chung quanh, Tăng phân biệt được tiếng chân của những người thân. Người ta vẫn nói, mấy người mù thính giác bén nhạy vì mọi khả năng đều dồn vào nó. Tăng không mù, nhưng chàng cũng cảm thấy thính giác của mình như bén nhạy hơn, khi cái chân cụt giam chàng trong căn gác nhỏ hẹp này. Cẩm đi lại phía Tăng ngồi, đứng đằng sau lưng nhưng không lên tiếng vì thấy anh đang tư lự nên nghĩ là Tăng không biết nàng đến, nhưng đứng lâu không thấy anh quay lại, nàng hỏi:

Anh muốn ăn gì để em mua? Tăng quay lại, nhìn em, nhận ra thái độ vô lý của mình đã bắt em phải chờ đợi:

Mua cho anh một tô bún riêu, của cái bà gì… ngồi góc đằng kia, hôm nay bún của bà ấy có vẻ ngon, màu riêu cua trông vui mắt và hấp dẫn. Cẩm cười vì câu nói vui bất ngờ của anh.

Anh còn thuốc hút không? Tăng hơi ngập ngừng:

Hết rồi!

Sao anh không nóỉ

Sợ nhà không có tiền!

Nhà thiếu gì tiền, anh lẩm cẩm quá, hơn nữa chính phủ vẫn cấp dưỡng cho anh, tiền lương của anh ăn đâu có hết, còn nhà thì vẫn có đồng ra đồng vào, có thiếu thốn gì đâu mà anh phải làm như vậy! Cẩm nói thế nhưng Tăng biết gia đình bắt đầu sa sút, tiền cấp dưỡng tàn phế của chàng cũng không hẳn là đã đủ cho chính bản thân, nếu sống bám víu vào gia đình nữa sợ sẽ là gánh nặng cho mẹ và em, nên Tăng đã dè sẻn từng điếu thuốc vì nghĩ đó chỉ là những thứ phụ, có cũng được mà không có cũng chẳng sao, thật ra Tăng cũng chưa nghiện nă.ng. Nhưng từ ngày bị cụt chân, suốt ngày quanh quẩn trong nhà, Tăng đâm ra hút thuốc nhiều hơn, nhiều đến mức đáng ngại, thành thử nhân dịp hết thuốc Tăng định sẽ nhịn luôn, nhưng khi nghe Cẩm nói, chàng cảm thấy thèm thuốc trở lại, và thèm mãnh liệt hơn lúc trước:

Cô mua Bastos xanh, đừng mua Ruby nữa, bây giờ anh đổi “gu” rồị Một lúc sau Cẩm trở về với tô bún và một gói thuốc để trên bàn, Tăng nhìn em:

Chuyện của cô với Lãng đến đâu rồi, gần sang đoạn kết chưa? Cẩm hơi đỏ mặt:

Cũng vậy thôi, anh ơi! Lãng là bạn học với Tăng, do tình bạn giữa hai người, Lãng thường đi lại nên quen Cẩm và sau đó hai người yêu nhau. Khi đậu xong tú tài, Lãng học sư phạm. Do nghề nghiệp, nên từ ngày ấy hai người ít có dịp gặp nhau. Hôm biết tin Tăng bị thương nặng Lãng có lên Tổng Y Viện Cộng Hòa thăm, nhưng lâu nay Lãng không về được vì Lãng dạy học ở tận Bình Tuy, mà đường xá lúc này không còn đi lại dễ dàng như trước.

Cũng vậy thôi là làm sao? Cẩm nghe anh vặn hỏi, định kể cho anh nghe, nhưng nghĩ thế nào lại thôi:

Nghĩa là cũng như hồi xưa thôi, anh ấy vẫn viết thư cho em, nói, khi nào có dịp về sẽ ghé lại thăm anh. Thấy anh có vẻ vui hơn mọi hôm, Cẩm tò mò:

Còn chị Thủy và anh thế nào? Đang vui, Tăng sa sầm nét mặt. Cẩm biết mình lỡ lời nên lảng sang chuyện khác rồi đi xuống nhà. Thật ra Thủy chẳng có lỗi gì, ít ra là bề ngoài nàng vẫn cố giữ mối liên hệ như xưa, ngày Tăng còn lành lặn. Nhưng Tăng thì đã dứt khoát, không muốn Thủy phải khổ lụy vì mình, chàng đã viết cho nàng một lá thư, cảm ơn mối tình Thủy đã dành cho chàng và sau đó là lời chào từ giã, chúc nàng gặp được người yêu hợp ý sau này. Tăng không ân hận gì về việc làm của mình, vì cũng chẳng có giải pháp nào khác, nhưng nỗi nhớ nhung thì không nguôi được. Hình bóng Thủy và tà áo dài nàng thường mặc vẫn tha thướt trong vùng ký ức tươi sáng và ngọt ngào của những ngày hoa mộng cũ. Tăng vừa ăn vừa nghĩ đến những bữa ăn sáng của những ngày về phép, những buổi chiều rong chơi trên những con đường vắng, những ước vọng mà hai người thường nói với nhau. Tô bún mà mới cách đây ít phút Tăng tưởng sẽ ăn rất ngon bỗng trở nên khó nuốt, chàng xé bao thuốc lá mà Cẩm mới mua về, rút một điếu mồi lửa, hút. Khói thuốc Tăng vừa nhả ra, theo gió bay qua luồng ánh sáng chiếu qua cửa, rồi biến mất ngay sau đó. Hút xong điếu thuốc, vừa đặt mình xuống cái giường bên cạnh cửa sổ thì thằng em trai dẫn Thứ lên trên gác. Vừa nhìn thấy Tăng, Thứ chạy lao tới:

Sao, khoẻ chưa? Tăng không trả lời Thứ, hỏi lại:

Về phép ha??

Đơn vị mới chuyển về đóng quân ở Hóc Môn nên tao chạy về ghé thăm mày. Nhìn người bạn đồng đội cũ Tăng bỗng thấy sống lại quãng đời xông pha trận mạc của mình, giọng Tăng chợt lạc đi:

Anh em vẫn thường cả chứ?

Mới đụng trận, thằng Thịnh đi luôn rồi, tội nghiệp vợ nó mới mang bầu được năm, sáu tháng lăn lóc bên quan tài, cô cậu yêu nhau dữ lắm đấy vậy mà nửa đường đứt gánh, mới vui hưởng hạnh phúc bên nhau được ít ngày! Không nghĩ gì cả thì còn vui mà sống được, nhưng làm người tránh sao được những nghĩ ngợi! Thứ đang nói bỗng im bặt khi nhìn cái ống quần dẹp lép đong đưa bên mép giường, chàng định đổi sang câu chuyện khác vui hơn để tránh cho Tăng những suy nghĩ đau buồn. Tăng thấy Thứ đang nói bỗng im bặt khi nhìn bên chân đã cụt của mình, chàng biết Thứ đang nghĩ gì:

Trận đụng độ xẩy ra như thế nào?

Bị bắn sẻ mới đau chứ, lục soát mục tiêu xong khi rút ra thì bị bắn sẻ, thằng Thịnh bị viên duy nhất trúng ngay bọng đái, hôn mê liền, khi gọi được trực thăng tải thương thì nó tắt thở, chán ơi là chán! Đêm hôm trước nó nằm với tao kể chuyện gia đình, ước vọng của hai vợ chồng, còn rủ tao kỳ này về hậu cứ hai thằng nhậu một bữa cho thật say, lâu ngày không có rượu thèm quá. A, chút xíu nữa quên mất thì không biết nói năng làm sao, thằng Quý gửi lời thăm mày và nhờ tao đem về cho mày chai rượu, vợ con nó dạo này đi buôn đồ Mỹ nên thằng em uống lia chia. Nó nói khi nào mày buồn uống một ly cho đỡ sầu. Thứ vừa nói vừa cúi xuống mở ba lô móc chai rượu ra, trong khi Tăng cảm động lúc sau mới nói được:

Mày nói lại giùm tao cảm ơn nó nhiều. Chàng vói tay lấy cái ly trên bàn rồi mở chai rượu rót ra một ly Tăng và Thứ uống chung. Vốn là bạn đồng đội trong nhiều năm nên Thứ cũng không khách sáo gì, và hai người ngồi uống cho tới khi chai rượu chỉ còn một nửa. Khi đứng lên mặt Thứ hơi đỏ, chàng giơ tay bắt tay Tăng.

Thôi tao đi, khi nào có dịp, tao sẽ lại thăm mày. Ráng yêu đời, cái gì rồi cũng quen đi, buồn khổ chỉ là giai đoạn đầu thôi. Sau khi Thứ đi rồi, căn gác lại vắng lặng trở lại, và ngôi chợ đầu xóm đã tan, con hẻm xi măng bây giờ tràn ngập ánh nắng, bụi hoa giấy của nhà đối diện nở đỏ rực, những cành hoa vươn quá cao bắt đầu uốn cong gần nửa vòng tròn và đong đưa khi gió thổi. Ở dưới nhà, Tăng nghe tiếng bát đĩa va chạm vào nhau, chàng biết đã gần mười hai giờ trưa và mấy đứa em đang dọn cơm, chàng nghe được cả tiếng gắt của mẹ mình và hình như cả tiếng nói của người lạ nữa nhưng chàng không phân biệt được tiếng nói của ai. Từ khi cụt chân Tăng ít xuống nhà dưới vì cầu thang gỗ chật hẹp và khó đi, mẹ Tăng lại bị chứng đau chân nên bà ít lên gác, thành thử dù ở chung nhà thỉnh thoảng mẹ con mới gặp và nói chuyện với nhau.

Hơn nữa, Tăng cũng không muốn để mẹ nhìn thấy cái chân cụt của mình nhiều qúa khiến cụ buồn khổ. Tăng không thấy đói, nên chàng vói tay lấy đôi nạng gỗ để bên giường đi về phía cầu thang nói với xuống:

Trưa nay con không ăn cơm, mẹ đừng để phần con. Thằng em út đứng dưới cầu thang hỏi vọng lên:

Anh nói cái gì?

Nói với mẹ anh không ăn cơm trưa nay, anh không đói. Tăng nghe tiếng thằng em nói lại với mẹ, chàng còn nghe được tiếng bà cằn nhằn:

Sao lại không ăn! Cứ để phần một bát khi nào nó đói thì ăn. Tăng biết có nói gì thêm cũng vô ích, lòng mẹ thương con nên bao giờ cũng vậy, khi ở xa các cụ không thể lo lắng được thì đành chịu, chứ ở nhà, dù con cái lớn đến đâu, các cụ vẫn coi như còn nhỏ bé không đủ sức chăm sóc cho chính bản thân mình, các cụ phải được để mắt lo lắng mới yên tâm. Nhiều khi suy nghĩ về chuyện ấy Tăng bỗng cười thầm, những ngày bị địch bao vây không nhận được tiếp tế, mấy người phải chia nhau gói cơm sấy, nước uống nhiều khi phải gạn ở lỗ chân trâu, các cụ chẳng có ở đó để lo giùm! Bây giờ mọi thứ đều có sẵn, cơm bưng nước rót, thì các cụ lại lo thiếu thốn. Tăng trở lại giường nằm thiêm thiếp, rượu đã làm chàng quên được những nỗi dằn vặt trong lòng và rồi ngủ quên lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy Tăng thấy mẹ đã để phần cho chàng một cái bánh giò, cái thứ bánh đã dính liền với cuộc đời ấu thơ của chàng. Khi bước vào đời, xa cách người mẹ, Tăng cũng xa luôn cái loại bánh mà mẹ chàng thường dấm dúi cho riêng chàng, và bây giờ khi trở về chàng lại gặp nó như gặp chính tuổi thơ của mình. “Nó là con trai mà ốm yếu quá!”. Đó là câu nhận xét của mẹ đối với chàng mỗi khi giải thích về sự ưu đãi mà chàng được hưởng. Bây giờ, sau khi đã trưởng thành, đã đi hết nửa phần đất nước trở về, bà vẫn coi Tăng như thằng con bé bỏng thuở nào. Bất giác Tăng nhìn xuống chân mình, phần thân thể mẹ đã cho nhưng Tăng đã để mất nó, giờ này chắc đã mục nát ở trong lòng đất. Một ngày nào đó, phần thân thể còn lại này sẽ chết, nếu là chết già, Tăng rùng mình khi nghĩ đến những ngày dài trước mặt, chàng sẽ có một thể xác già nua, với một cái chân đi trước còn rất trẻ và rất cường tráng.

Mình lẩm cẩm rồi, đã chết còn biết gì nữa! Tăng lắc đầu cố xua đuổi nhưng ý nghĩ kỳ cục cứ ám ảnh mãi. Nhìn ra ngoài, thấy nắng đã dịu, chàng biết là đã xế chiều, mặt trời bắt đầu lặn. Bóng tối sẽ đến với Tăng ở đây và với bạn hữu của chàng nơi đơn vị đang đồn trú. Bóng đêm đang rình rập cướp đi hết người này đến người khác.

* * *

Tăng đang ngồi lục lại chồng sách cũ thì Thứ đến, chàng định đứng lên thì Thứ chạy lại khi thấy Tăng gần ngã:

Coi chừng! Tăng nắm lấy cạnh bàn, ngồi xuống lại trên chiếc ghế nhìn Thứ:

Bây giờ mày tính sao?

Chết chứ còn tính sao nữa. Mày không đi được cũng là một cái hay, ra ngoài đường thấy buồn lắm! Nghe nói tụi tao gần phải đi “học tập”, phen này chắc chết rục xương!

Mày có biết tin thằng Quý không?

Lúc nghe Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, nó tập họp anh em nói mấy câu từ giã, rồi mỗi người mỗi ngả, không biết nó đi đâu, nghe nói gia đình nó ở Nha Trang, chắc lại ra ngòai ấy. Nghĩ lại cảnh hôm đó muốn khóc! Nói chuyện một lúc thì Thứ thấy lòng bồn chồn nên đứng dậy ra về. Còn lại một mình Tăng trên căn gác vắng, chàng có cảm tưởng mình như một gốc cây hay một quán nước bên đường, thỉnh thoảng có người dừng chân rồi họ lại đi, bỏ lại một mình chàng với nỗi cô đơn dằn vặt. Không hiểu vì lý do gì khi nhìn những cây đơn độc mọc bên đường, chàng luôn có cảm tưởng cây đó bị đồng loại bỏ sống cô đơn một mình, và đến bây giờ cảm tưởng ấy rõ rệt hơn bao giờ hết, khi Thứ đến rồi bỏ đi sau khi nói dăm ba câu với chàng. Tăng cảm thấy mệt mỏi, chàng nằm xuống giường và ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

* * *

Ngồi trên gác, Tăng nghe đủ mọi loại tiếng động chen lẫn tiếng cười, nói từ dưới nhà vang lên. Mẹ chàng đang tổ chức đám cưới cho Cẩm và Lãng một cách vội vàng nên dọn mấy mâm rồi mời họ hàng và láng giềng đến dư.. Trên đường di tản, Lãng bị thương nhẹ nên lết được vào một nhà thương và sau khi bình phục đã bắt liên lạc lại với Cẩm, sau đó hai người quyết định tiến đến hôn nhân vì có lẽ cũng không còn gì nữa phải chờ đợi, và điều này cũng được mẹ của Tăng đồng ý nên đám cưới được tổ chức ngay. Lãng chỉ có một mình, cha mẹ đã chết cách đây bốn năm, do đó mẹ Tăng mong muốn khi cưới xong, Cẩm vẫn ở nhà, còn Lãng vẫn đi Bình Tuy dạy học cho đến khi Lãng có cuộc sống ổn định hơn. Buổi sáng nay, Lãng và Cẩm đều lên gác cố kéo ông anh xuống tham dự lễ cưới, Tăng phải giải thích mãi hai người mới chịu nghe. Thật ra Tăng cũng muốn xuống tham dự với em vì nghĩ cả đời nó mới có một lần, nhưng rồi nghĩ lại, mình chỉ là một phế nhân, đi đâu cũng phải có hai cây nạng gỗ kèm theo mà còn muốn ngã, nếu xuống chỉ làm phiền thêm cho mọi người và còn làm mất vui cho đám cưới nên chàng ở lại trên gác. Tăng dặn Cẩm nếu có ai hỏi nói Tăng bị bệnh mấy hôm nay không xuống được. Cẩm và Lãng cũng hiểu được nỗi lòng của Tăng nên không nài ép. Tăng ngồi dựa lưng vào vách hút thuốc vặt. Tiếng nói, cười, huyên náo ở dưới nhà vẫn vang vọng lên, khiến chàng có cảm tưởng đám cưới đang tổ chức ở một nhà hàng xóm, không can dự gì đến chàng. Ý nghĩ ấy vừa đến thì Tăng cũng chợt nhận ra sự vô dụng của mình ở trong gia đình, vô dụng đến nỗi đám cưới của em gái mà chàng không giúp được gì dù là chuyện cỏn con. Đang ngồi nghĩ vẩn vơ thì Cẩm và Lãng lên, mang theo một chai rượu, Cẩm có vẻ lộng lẫy trong bộ áo cưới, Nàng cầm ly rượu Lãng vừa rót đưa cho Tăng:

Anh uống với tụi em một ly. Tăng đỡ ly rượu, giơ cao ngang tầm mắt:

Chúc hai em hạnh phúc. Tăng cười, ghé vào tai Lãng nói thầm:

Từ bây giờ trở đi mày là em tao rồi, phải gọi anh, xưng em đàng hoàng, nghe chưa? Cẩm trợn mắt nhìn hai người .

Hai anh xấu lắm, tại sao nói gì với nhau mà không cho em biết. Không muốn sự nghi kỵ kéo dài, Tăng nói lớn:

Có gì đâu, anh nói với Lãng từ bây giờ trở đi phải ăn nói đàng hoàng, không được mày mày tao tao với anh nữa. Khi hiểu được, Cẩm lườm anh:

Anh thật… Không muốn Cẩm và Lãng ở lâu trên gác, gây nghi ngờ cho thực khách dưới nhà, Tăng đuổi:

Thôi xuống đi kẻo người ta lại không hiểu tại sao cả cô dâu lẫn chú rể đều biến mất! Cẩm và Lãng đều cười rồi kéo nhau đi. Ly rượu mới uống làm Tăng cảm thấy thoải mái, mất cái cảm giác trì trệ của người ngồi và nằm qúa lâu, nhất là xua đuổi được những ý nghĩ bi quan trong đầu. Chàng trở dậy, chống nạng ra ngồi ở cái ghế bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Dưới nhà tiếng huyên náo đã giảm bớt, Tăng nghe được tiếng nói đàn ông vang vang ở phía dưới, Tăng đoán có lẽ là tiếng nói của bác Dậu, một người bác xa, đã có tuổi nhưng rất khoẻ mạnh và vui tính, có lẽ nhờ rượu, ông nói chuyện có vẻ linh hoạt hơn mọi ngày và giọng nói cũng trở nên mạnh mẽ hơn. Mấy đứa nhỏ đã ăn no và có lẽ cũng đã hết trò chơi, rủ nhau kéo lên gác, đang ngồi vòng tròn ngay chỗ lên xuống của cầu thang. Bọn chúng như không để ý đến Tăng đang ngồi ở cửa sổ nhìn ra ngoài. Chơi được một lúc, hai đứa trong bọn cãi nhau, giành nhau chia bộ bài lớn chỉ bằng hai ngón tay. Tăng bỗng chạnh nhớ đến thời thơ ấu của mình, chàng cũng mê những trò chơi đánh bi, đánh bài ăn dây thun. Mới đây mà đã qua, đã hết, và không bao giờ trở lại nữa! Tăng nhớ hồi còn nhỏ Tăng chỉ mong cho mình chóng lớn để đi làm khi thấy người lớn có tiền, ăn mặc đẹp lại được tự do, không bị ai kiềm chế. Đến khi ra đời, Tăng lại ao ước được sống những ngày thơ ấu, và bây giờ với thân xác tàn tạ khô héo, nỗi thèm khát ấy còn mãnh liệt hơn bao giờ khi nhìn đám trẻ đang vui đùa nghịch ngợm trước mặt chàng. Đang ngồi nhìn bọn trẻ chơi bài thì Thi đi lên, Thi là cô em họ xa của chàng.

Mấy đứa ngồi chơi xích ra chỗ kia, để trống cầu thang cho người ta đi la.i. Rồi nàng cười với Tăng:

Nghe Cẩm nói anh bị bệnh mấy hôm nay nên lên thăm anh một chút.

Cô ngồi tạm xuống đây, sao cô có khoẻ không, chú ấy đâu?

Nhà em bị bắt đi học tập rồi.

Bây giờ ở đâu?

Nào có biết ở đâu, chẳng nhận được thư từ gì cả, em lo quá! Em có dò hỏi những người khác, có người mới nhận được thư, nhưng trong thư lại không đề địa chỉ, chỉ có hòm thư thành ra cũng không biết các ông ấy ở đâu. Tăng chợt nghĩ đến Thứ, Quý và những người bạn đồng đội cũ của mình không biết giờ này ra sao. Thấy câu hỏi của mình chưa được trả lời, Thi hỏi thêm một lần nữa:

Nghe nói anh bị bệnh, có nặng không? Tăng đành nói thật:

Tôi không muốn xuống nên dặn Cẩm nói vậy, chứ sự thực, không đau ốm gì. Cô tính tay chân như thế này, xuống chỉ thêm phiền người khác. Thi ái ngại nhìn Tăng:

Em cũng đoán vậy, thôi đừng buồn anh ạ! Con người ta có số, trời bắt thì phải chịu chứ biết làm thế nào. Anh dù sao cũng còn độc thân, như em đây bây giờ mới khổ, một nách hai con nhỏ chẳng biết xoay xở ra sao để nuôi tụi nó, em đang định mua cói, tập đan, chẳng biết có sống nổi không vì hỏi ai cũng thấy đan lát cả, ai cũng đan thì ai là người mua không biết!

Cẩm bây giờ nó đi bán ở chợ trời, cô thử làm nghề đó xem.

Chị Cẩm thì chị ấy làm vậy được vì không vướng bận con cái, còn em, các cháu nhỏ qúa, bỏ đi cả ngày sao đành! Tăng không biết nói sao đành ngồi im, Thi quay lại nhìn Tăng:

Ờ, hôm nọ em gặp chị Thủy, chị ấy gửi lời thăm anh. Nghe nhắc đến Thủy, Tăng bồi hồi, xúc động:

Thủy lấy chồng chưả

Em chẳng dám hỏi, hôm em gặp chị ấy đang đi xe đạp, đằng sau xe có chở gói gì đó, chắc chị ấy cũng đi buôn. Bây giờ ai cũng phải xuống đường , xuống chợ kiếm ăn cả. Trông chị ấy gầy hơn ngày xưa nhiều nhưng vẫn đẹp. Tăng bỗng thấy một dĩ vãng hiện về với hình bóng Thủy tha thướt trong tà áo tím mỗi lần hai người đi chơi với nhau trên những con đường rợp bóng cây, ánh nắng xuyên qua lá cây nhảy múa trên hè phố và cả trên mái tóc của nàng, mỗi khi ánh nắng đi qua những sợi tóc của Thủy ánh lên một cách kỳ ảo.

Dạo này anh không liên lạc với chị ấy à? Tăng lắc đầu:

Không, cô tính thân thể như thế này mình cố giữ người ta làm gì cho khổ cả hai. Có tiếng trẻ con chạy trên cầu thang gỗ, thằng con của Thi thò đầu lên:

Mẹ ơi, đi về!

Chào bác Tăng đi con. Thằng bé khoanh tay:

Chào bác a..

Lên đây bác xem thằng cu lớn đến đâu rồi. Thằng bé đứng lưỡng lự ở cầu thang, mẹ nó giục:

Lại đây đã nào! Thằng bé đi lại chỗ Thi và Tăng ngồi.

Cháu mấy tuổi rồi?

Cháu được năm tuổi rồi anh ạ, nó nghịch lắm lại làm nũng nữa, hôm nọ tức mình em phết cho một trận nên thân.

Nó nhỏ biết gì mà đánh nó. Thi cười:

Cũng biết vậy nhưng nhiều khi bực mình quá mà nó lại nghi.ch. Nàng đẩy con ra, đứng lên:

Thôi em về kẻo ở nhà còn nhiều công việc phải làm, khi nào rảnh em lại lên thăm anh. Tăng nhìn theo hai mẹ con Thi bước xuống cầu thang cho đến khi không còn thấy nữa. Bọn trẻ chơi bài gần đấy cũng đã giải tán từ lúc nào. Dưới nhà vẫn còn tiếng bác Dậu vang lên lúc lớn lúc nhỏ, thỉnh thoảng chàng còn nghe được câu: “Vâng, đúng thế!” của người tiếp chuyện bác. Câu trả lời rất ngắn nhưng cũng lớn và mạnh mẽ không kém gì tiếng nói của bác Dâ.u.

* * *

Sau cả năm trời học nghề, Tăng đã có thể cắt và may quần aó. Mẹ Tăng gom góp, nhặt nhạnh, mua cho chàng một cái máy may để Tăng nhận hàng của những người hàng xóm kiếm ít tiền nuôi lấy thân mình. Mẹ Tăng cũng đã già, bà cụ lại bị yếu chân, nhưng bây giờ cũng phải cố giúp con cái những việc trong nhà để Cẩm có thể rảnh rang hơn đi buôn bán chợ trời. Vả lại, dù sao Cẩm cũng đã lập gia đình, chỉ có thể giúp đỡ phần nào cho mẹ và anh, nên bà phải lo cho Tăng có một nghề. Cũng may Tăng tương đối khéo tay nên dù tàn phế vẫn có thể cắt được những bộ quần áo đẹp, và vì thế dù nhà ở trong một ngõ hẻm, vẫn có nhiều người đem vải đến may nên gia đình còn được bữa cơm bữa cháo. Một hôm Tăng đang lúi húi may thì Thủy đến, nàng đến bất ngờ khiến Tăng bàng hoàng, Thủy nói ngay khi nhìn thấy Tăng:

Em sẽ dọn đi xa nên đến thăm anh, có lẽ đây là lần cuối cùng. Thủy nói được đến đó thì nàng nghẹn lời, đứng yên. Tăng lúng túng đứng lên, tay quờ quạng vói đôi nạng để cạnh bàn máy, Thủy chạy lại đỡ:

Anh ngồi xuống, coi chừng anh lại ngã bây giờ!

Thủy kéo hộ anh cái ghế rồi ngồi xuống đi. Thủy ngoan ngoãn đi lấy ghế rồi ngồi xuống đối diện với Tăng, nàng chợt nhận ra chỉ có mình Tăng ở nhà:

Bác và Cẩm đâu rồi anh?

Cẩm đi buôn bán, còn mẹ anh, mấy đứa em mới đưa cụ đi mua thuốc, dạo này cụ hay bị đau chân. Thủy chợt nhìn chân Tăng ái ngại:

Chân anh như vậy làm sao anh đạp máy được?

Anh đạp bằng một chân, hơi khó một chút nhưng rồi cũng quen, khi nào có điện thì anh cho máy chạy bằng “moteur”. Dạo này em có khoẻ không?

Em vẫn thường thôi. Tăng nhìn Thủy, chàng thấy Thủy gầy hơn, nước da hơi xanh nhưng nàng vẫn rất đẹp.

Anh nhìn em gì thế?

Tại em nói thăm anh lần cuối nên anh phải nhìn em cho kỹ để mai sau còn nhớ được. Sực nhớ ra hoàn cảnh của hai người, Tăng đổi đề tài:

Em định đi đâu?

Có lẽ em sẽ đi về miền Tây.

Khi nào có chồng cho anh biết tin. Thủy nhăn mặt:

Anh ác quá!

Mình phải chấp nhận hoàn cảnh, anh luôn cầu mong cho em được hạnh phúc.

Em chưa nghĩ đến chuyện ấy, chưa thể nghĩ đến điều đó được. Nàng cố cười thật tươi:

Còn anh nữa, chẳng lẽ em phải báo cho anh biết mà em không được quyền biết về anh.

Sẽ không bao giờ có chuyện đó xẩy ra đối với anh. Sẽ không bao giờ, em hiểu tại sao rồi. Vừa lúc đó thì Cẩm về, nàng chạy ra ôm lấy Thủy.

Lâu quá không gặp chi..

Thủy đến chào bác, anh Tăng, Cẩm và các em vì Thuỷ sắp đi xa, gia đình Thủy sẽ về miền Tây..

Trông chị dạo này xanh quá!

Cẩm cũng vâ.y. Cẩm cười:

Cuộc sống vất vả quá thành ra ai cũng thế. Ờ, mà sao hôm đám cưới tụi em chị không đến, chị có nhận được thiệp cưới của em không?

Có nhận được, nhưng anh Tăng có muốn chị đến đâu! Cẩm nhìn Tăng trong khi Tăng cúi mặt giấu xúc đô.ng. Ngoài kia mây đen đầy trời, và gió aò aò thổi đến tung bụi trên con hẻm trước nhà. Cẩm chạy ra đóng cửa rồi quay lại nói:

Chiều nay chị Thủy ở lại đây ăn cơm với gia đình em một bữa, mẹ em vẫn nhắc đến chị luôn, thế nào chị cũng phải để mẹ em gặp con dâu hụt của cụ một lần trước khi chị đi xa. Câu nói đùa của Cẩm làm cả hai ngượng ngùng.

* * *

Hai tháng sau Tăng nhận được lá thư của Thủy .

Anh, Ngày đến thăm anh lần cuối, em định nói thật với anh nhưng rồi em nghĩ nói như thế chỉ làm chúng mình thêm bịn rịn, gây đau khổ cho nhau, nên em chỉ nói thăm anh lần cuối trước khi về miền Tây. Em nghĩ anh hiểu lòng em mà không nỡ giận. Em đang ở Thái Lan, cuộc hải trình đầy gian lao, vất vả và nguy hiểm nhưng rất may đã không gặp hải tặc. Bây giờ thì mọi sự đã an toàn, nhưng em cô đơn vô cùng, khi đến thăm anh lần cuối nhưng thật sự em không hiểu hết ý nghĩa bi đát của nó, vì dù sao anh với em lúc đó vẫn đứng chung một giải đất và biết đâu chuyện vượt biên của em sẽ không thành công, rồi một hoàn cảnh run rủi nào đó chúng mình có thể gặp lại .

Nhưng giờ thì thực sự hết và lần đó đúng là lần cuối cùng thật. Chúng ta vĩnh viễn mất nhau rồi Tăng ơi! Em cầu mong anh được hưởng phần nào hạnh phúc trên cõi đời này, và xin anh cũng cầu nguyện cho em với. Trên đường đời gay go chỉ có một mình em thui thủi, em sợ quá, anh cũng biết là em hay lo sợ vẩn vơ nhất là những lúc không có anh. Anh cho phép em được thỉnh thoảng viết thư cho anh, nếu không thể là vợ chồng, mình có thể là bạn, hay hơn thế nữa, là anh em. Bây giờ em chỉ cầu mong được như thế! Cho em gửi lời thăm bác, vợ chồng Cẩm và các em. Viết cho em khi anh nhận được thư, em mong lắm! Thủy.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s