40 Năm Hội Ngộ
(Tình bạn giúp chúng ta tìm lại những gì tưởng chừng như mất. Đó là nụ cười hồn nhiên của tuổi thanh niên, lòng dễ dàng tha thứ, niềm hy vọng và cả ý chí của một thuở thiếu thời.)
Bài của TrantuanngocK28
Vào ngày 02 tháng 8, năm 2015 đã có buổi Hội Ngộ Bốn Mươi Năm Rời Trường của cựu sinh viên Võ bị Đà Lạt khoá 28 tại Westminter, tiểu bang California, USA. Sau đây là bài tường thuật để chia xẻ với bằng hữu xa gần.
Hơn 40 Năm Trước:
Hơn 40 năm trước, suốt quãng đường dài khoảng 2 cây số, từ cổng Thái Phiên để vào cổng chính thức của trường Võ bị Đà Lạt, được gọi là Cổng Nam Quan, hai bên đường được thắp lên hai hàng đuốc sáng rực rỡ, đó là đêm lễ trao nhẫn truyền thống.
Hình ảnh này vẫn còn lưu lại trong ký ức của bao nhiêu người. Công lao đó phần lớn là do những bạn giỏi giang, đầy lòng nhiệt tình, xốc vác công việc của khoá. Đời người chắc không còn bao năm nữa, tưởng chắc cũng nên nhắc nhở trở lại:
– Trương Thành Minh, người đã làm lại y hệt kích thước của Cổng Nam Quan cổng vào của trường Võ Bị Đà Lạt trong kỳ Đại hội Võ Bị thứ 16, tại San José, cũng là trưởng toán dựng lên hai hàng đuốc năm nào.
– Huỳnh Tiến, người bạn tài hoa vừa giỏi về võ thuật vừa giỏi về nghệ thuật hình ảnh. Người đã bỏ sức ra làm những xe hoa cho cộng đồng hải ngoại, cũng là người đã design ra logo Khoá 28 Hội Ngộ, Bốn Mươi Năm Rời Trường Mẹ.
– Hồ Thanh Sơn, thủ khoa của khoá cũng là người điềm đạm, xúc vác nhiều công việc thầm lặng của khoá và nhiều việc chung của tập thể Võ bị xưa nay.
– Nguyễn Sanh, tinh thần trách nhiệm và nhiệt tình trong công việc. Anh phụ trách công việc trưởng ban văn nghệ trong những ngày hội ngộ.
– Nguyễn Thành Sang, trưởng ban nghi lễ cũng là người đã giúp bạn bè nhiều nhất từ trước đến nay.
– Đặc biệt là ban tổ chức tại Westminster, miền Nam của tiểu bang California bao gồm các bạn Lê Phước Nhuận, Nguyễn Hữu Tạo, Dương Quý Hùng và Chu Trần Đạo bao gồm các bà trong gia đình.
– Hoàng Như Cầu, lo việc chuyển vận, đón rước. Một người bạn không nề hà một việc nào dù nhỏ hay lớn.
– Lê Đình Thọ, người xông pha việc vác ngà voi hơn cả việc nhà.
Tháng 8, năm nay, 2015, cuộc Hội ngộ 40 năm lại thêm những khuôn mặt khác nổi bật phục vụ cho tập thể với cả tấm lòng, từ vợ chồng Thu Lai, Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Thành Sang và Nguyễn Thành Tâm và vô số những bạn khác.
Là một tên cà dỉn, thay mặt cho những bạn cà dỉn khác, xin các bạn xốc vác công việc chấp nhận lời cảm tạ, đã cho chúng tôi một cơ hội hãn hữu gặp nhau. Bao nhiêu năm kẻ đi người mất, mấy năm nữa kẻ mất người còn? Thôi có dịp chúng ta hể hả cho nhau tại sao lại không?
Diễn Tiến 40 Năm Hội Ngộ:
Sáng ngày thứ Bảy, 01/08/2015 mọi người tụ tập ở Milesquare Park. Nơi đây mọi người được khuyến khích chạy sáng, kết quả về nhất là Dương Quý Hùng. Hầu hết mọi người tham dự đều nhận áo lưu niệm màu xanh phát từ tối thứ Sáu tại căn nhà được dùng làm căn nhà sinh hoạt của khoá. Mọi người đã mặc để tới park tham dự chạy sáng, ăn trưa và đánh volley. Nơi park này, Khoá 28 bàn luận và bầu cử cũng đã diễn ra trong bầu không khí vui vẻ. Hồ Thanh Sơn được tín nhiệm trong vai trò đại diện khoá.
Vui và vui! Ai cũng vui. Thấy được bạn bè thuở thiếu thời đã là vui!
Cũng trong đêm thứ Bảy, ngày 01/08/2015 tại nhà sinh hoạt của khoá với chủ đề: nhớ về trường mẹ. Khoá 28 đã gặp gỡ thân tình với khoá 31, họ từ khắp nơi đổ đến, đối xử với nhau như tình anh em. Nguyễn Đình Lập từ New York, Hồ Thanh Sơn từ Florida; Nguyễn Thành Tâm, Trần Lượng và Trần Văn Lý đến từ Virginia; Nguyễn Sanh, Trần Hiệp, Vũ Văn Lai, Lê Trường Thọ đến từ Seatle. Phạm Công Thành, Huỳnh Tiến, Nguyễn Thế Lương, Võ Hữu Lợi, Nguyễn Văn Nghị, Trần Sứ đến từ Oregon. Võ Đức Trí, Đặng Văn Lạng và cô con gái yêu kiều đến từ Iowa; Trần Tường, Lê Văn Tiến, Nguyễn Đức Quyền, Huỳnh Xuân Trọng, Trương Thành Minh, Nguyễn Thanh Sang, Huỳnh Dĩ Minh đến từ San José.. Nhưng phải kể đến ba gia đình đến từ Việt Nam, đó là Trần Thiện Tuấn, Nguyễn Tri Nam và Cao Đức Lan. Riêng Australia có hai gia đình đến tham dự.
Đêm này cả hai khóa 28 và 31, họ hát với nhau, những bài hát quân hành, bài hát “Võ bị hành khúc” rồi có những bản tình ca ngày xưa đã từng hát cho nhau nghe.
Chắc một điều chắc chắn cho một tập thể là khi họ còn hát chung với nhau với những bài hát thì tập thể đó còn vững mạnh. Tình bạn ấm lại qua những bài hát thường nhật khi di chuyển từ doanh trại tới Khu Văn Hoá. Cám ơn Nguyễn Sanh, trưởng ban Văn Nghệ!
Riêng Nguyễn Văn Xưa, với phong cách rất đàn anh đã nói chuyện vài phút với khoá đàn em K31. Tươi cưòi, đĩnh đạc, không hổ mặt một trong hai tiểu đoàn trưởng của mùa huấn luyện Tân Khoá Sinh K31.
Khoá 31, tối hôm đó được “tà tà” vào bàn ăn mà không phải bò hoặc lăn. 40 năm về trước, đây là chuyện lạ! Nhưng lạ hơn cả là Nguyễn Kim Sơn, đại diện K31 đêm đó, lại làm MC cho mọi người hòa đồng, chia xẻ trong niềm vui đến tận nửa đêm.
Bài hát “Như Cánh Vạc Bay” của Nguyễn Thế Lương đã mang cho mọi người tham dự, một cảm xúc lạ lùng. Đến điệp khúc thì chị Thu đã đến bên cạnh và cất tiếng hòa theo, rồi thình lình mọi người bật lên đồng hát theo dòng nhạc: “Nơi em về ngày xanh không em? nơi em về trời vui không em? Từ lúc đưa em về là biết xa nghìn trùng”. Chưa có bài tình ca nào đã chiếm trọn trái tim mọi người đêm hôm đó bằng bài hát này. Cám ơn Nguyễn Thế Lương và sẵn hỏi nhỏ là cô ấy bây giờ ra sao?
Sáng Chủ Nhật, 02/08/2015, các bà đi shopping, đi ăn phở. Các ông vẫn chạy ngược chạy xuôi lo công việc. Người lo quần áo lễ, kẻ lo súng, kiếm, cờ; Người lo lau nhà, dọn dẹp ghế và lau chùi, chuẩn bị để trả lại căn nhà sinh hoạt, ai cũng tất bật.
Trưa chủ Nhật, một màn tập đi, tập đứng tập chào. 40 năm đã qua, khi vác súng lên vai, đầu lại vẫn cứ né! Cũng may người đi kiếm, không chân nào tay nấy. Trang hoàng, và tiếp tân. Ai cũng có phần việc. Tài của những người tổ chức được biểu hiện ra ngay trong những giờ đầu tiên trong ngày, càng trôi chảy bao nhiêu thì sự xếp đặt càng chu đáo. Từ việc lái xe đi lạc gọi đến, cho đến quần áo chưa đến và mới đó, nó chạy đi đâu giờ này chưa đến! Ai cũng nhường nhịn nhau để công việc chung hoàn tất.
Buổi tối Chủ Nhật, 02/08/2015 đúng 7:00 pm khai mạc. Quan khách được chứng kiến đàn kiến K28 họp mặt cùng nhau làm việc. Tiệc viên mãn trong vui vẻ.
Khởi đầu đêm dạ tiệc có Lễ Chào Quốc Quân Kỳ;
Lễ Mặc niệm, tưởng niệm những người đã mất; Vở kịch Hận Nam Quan nói về Nguyễn Phi Khanh nhắn nhủ Nguyễn Trãi tại Biên thuỳ quán trước khi bị còng dẫn giải về Tàu; Lễ tặng bông hồng cho các bà; Lễ trao medal cho các ông và mọi người cùng hát với nhau.
Đây là dịp chúng ta thấy lại những Tiểu Lễ mùa Đông, Tiểu Lễ mùa Hè, Jaspé và Worsted dạo phố. Trong dịp này chúng ta vẫn chưa thấy ai trong Đại lễ mùa Đông.
Những Điểm Giai Thoại Ghi Nhận:
Điểm mặt: Ước chừng trên dưới 40 người cùng khoá tham dự 40 Năm Hội Ngộ. Con số cựu sinh viên khoá 28 ở tại hải ngoại lên tới con số suýt soát 100 người. Nay người còn kẻ mất con số những người tham dự kể ra chưa quyến rũ lắm, lần sau nếu có thì phải tận dụng nhiều vào việc cổ vũ, kêu gọi từng người. Những người bạn của chúng ta vẫn còn ở Việt Nam vốn thiếu cơ hội hơn chúng ta rất nhiều, thế mà vẫn qua họp mặt được, thì điều này chúng ta phải suy nghĩ.
Điểm Nhớ: Lần sau, y như lời Huỳnh Tiến hỏi trong đêm 01.08.2015, tại sao chúng ta ngưng quá sớm! Thực ra lần sau dễ gì có còn đủ mọi người, cho nên câu hỏi này rất chính xác. Nếu chúng ta có dịp ngồi với nhau, hỏi han nhau nhiều hơn, biết nhiều việc hơn và thông cảm nhau hơn. Ngay cả việc hỏi nhau, ngày đó đời anh ra sao? hay trao đổi với nhau kinh nghiệm về đời sống hiện tại.
Đây chỉ là một thí dụ: Anh kể lại là anh đã đi bằng đường bộ, không được lãng mạn như câu chuyện của Nguyễn Minh Thu nhưng lại khốc liệt. Để đi qua được biên giới bằng con đường ngắn nhất, anh đã chọn vượt qua bãi mìn dày đặc giữa biên giới Kampuchia và Thailand. Khi biết đã lọt vào bãi mìn, anh không còn cách nào để chọn lựa. Lấy tay sờ về phía trước, để đặt chân từng bước, nhắm mắt nín thở trước mũi hai người lính tuần tiễu. Ban ngày lẫn ban đêm cứ đi như thế, không ăn, không uống, không còn biết ngày giờ, hễ mệt thì vật ra ngủ giữa đám lá xào xạc. Anh không dám tới gần gốc cây để dựa vì đầy cạm bẫy. Nhiều khi anh quá kiệt sức, tưởng như không bao giờ tiến được về phía trước nữa. Cứ thế cho đến khi anh thấy dấu bánh xe tải đi ngang, thì anh biết đã thoát thân ra vùng an toàn. Anh mừng quá, ngửa mặt lên mà cám ơn trời và nhắn to với vợ còn quê nhà là “Em ơi! Anh tìm được tự do rồi”, nước mắt anh rơi xuống trong niềm hân hoan. Sau đó cứ theo vết bánh xe mà đi, cho đến khi thấy được vũng nước, nơi bánh xe chạy ngang, anh vục đầu xuống uống. Khi ngước đầu dậy nhìn thấy trong ánh nước có cái sọ người thì kinh khiếp, ngồi bật ngửa ra mà hoảng hốt. Khi bình tĩnh nhìn lại, thì kỹ ra mới biết, đó là phản ảnh là chính hình của khuôn mặt mình. Anh nhìn chính mình mà không nhận ra được mình.
Khốc liệt vẫn chưa hết, khi tới chỗ tạm giữ đầu tiên.. Thằng lính Thái lan bắt chẹt cả toán tỵ nạn người Việt làm việc trong khi các sắc dân khác được ưu tiên hơn. Anh phải đứng ra ôn tồn nói năng phải trái. Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng, tên lính xông vào đánh tới tấp. Đá và lên gối kiểu võ tự do của Thái Lan. Trong cái thế phải chịu đòn, anh không còn cách nào nữa, ngoại trừ gập người xuống, đưa cùi chỏ ra mà đỡ tránh đụng vào chỗ hiểm chết người, nhưng như thể “vô chiêu thắng hữu chiêu”. Đòn càng độc thì khuỷu cùi chỏ lại phải càng đỡ. Những cú đỡ của anh làm cho tên lính ngã đứng không vững phải té lủi nhủi. Tụi lính Thái uà vào chửi rủa dữ dội, làm ai cũng thấy ái ngại cho anh, ban đêm thế nào anh cũng bị chúng trả thù. May mắn trong đó có một nhân viên Cao uỷ, họ dùng xe Jeep chở anh sang trại khác. Trong cái rủi có cái hên, nhờ đó anh thoát thân sớm hơn những người khác. Nghe anh kể, tôi thấy giá anh trả cho hai chữ “Tự do” quá mắc mỏ. Anh Trương Thành Minh ơi!
Trở lại vấn đề, ngồi trễ lại với nhau để chia xẻ đời người, để uống với nhau một hai ly rượu vẫn hơn là để nguyên cả 3 chai rượu Hennessy chưa khui mà Nguyễn Thành Tâm là người mua 2 chai đó tặng bạn bè. Thất vọng vô cùng! phải không Huỳnh Tiến?
Điểm Đầu Ruồi: Trong đêm dạ tiệc 02.08.2015, Phạm Công Thành rất vui, rất vui! Vui đến nỗi mà khi kêu tên chàng lên tặng nàng bông hồng, thì xướng ngôn viên gọi mãi cũng chả thấy chàng Thành xuất hiện. Tội nghiệp bà vợ yêu dấu phải bỏ trốn dưới gầm bàn, có khăn che mà tấm tức. Đến khi có người đến nhắc nhỏ thì chàng Thành Phạm tội, đã lên lấy nhánh hoa hồng đi tìm vợ. Thành gặp thằng bạn cùng phòng ngày xưa mà hỏi nhỏ: “Ê! Mày có thấy vợ tao đâu không? Thấy thằng bạn lo lục túi vỗ túi này sang túi nọ. Thành lại hỏi: Ơ! Cái thằng này, mày có bị điên không, tao hỏi mày là.. có thấy vợ tao đâu không thì mày lục túi!”. May quá Thành ạ! nhà tao không ở gần nhà mày, còn không tao sẽ phải phát điên thật thôi, vì mỗi lần mày lạc mất vợ lại chạy sang hỏi tao là vợ mày đâu thì chết! Nhậu vừa vừa thôi, kẻo cụng với bố vợ, với cả niên trưởng khoá 27 cũng “mày tao” thì e không nên đâu. Tao thề là từ lúc mày giới thiệu vợ mày cho tao, thì tao chỉ có nói là “chào chị!” chưa đến câu thứ hai. Tao mà nói dối thì cả mùa Thu tại Portland, Oregon mày đang ở, năm nay trời sẽ không cho rụng một cái lá nào hết.
Điểm Riêng: Cám ơn cả vợ chồng Hoàng Như Cầu cùng đến gặp mặt trong niềm yêu mến. Nếu mà ai cũng biết nói lời cám ơn như vậy thì rất nhiều người, rất nhiều người, phải đến cám ơn vợ chồng Nguyễn Thanh Sang vì việc làm của anh chị đến tới biết bao nhiêu người trong khoá chúng ta trong lúc họ còn bị kẹt ở bên trại tỵ nạn cũng như đã qua được định cư. Tôi cũng cám ơn Châu Thiết Lập ở Jacksonville, Florida lần nào tôi đến Mỹ cũng đã gọi điện thoại đến hỏi thăm.
Còn anh Ba Sơn, kỳ này mình không có nói chuyện nhiều được phải không anh? Tại sao mình không ngồi uống café đêm với nhau. Cũng mừng cho chị đã thức dậy, và cũng mong chị hót líu lo thật dài. Anh hãy hát bài Bình Ca, cho chị ấy nghe: “[1]Này em con chim lười, nhiều năm chim đau phổi, buổi sáng vắng tiếng chim cười vui. Này em anh đã già, tuổi cao thiếu sức khoẻ, mà vẫn muốn tiếng em, cười đùa! Cũng vì đời mình đã.. được nhau. Cũng vì đời mình đã.. được nhau!”
Điểm Vui: “Qua sẽ vì em làm thơ tình ái, qua sẽ chôm thơ xếp thành lâu đài”. Thơ vốn là chữ nghĩa cô đọng, cao nhất của ngôn ngữ nên đâu phải ai cũng thưởng thức thơ được đâu. Nhưng khi ấy muốn tặng người mình yêu một vần thơ, thôi thì chôm thơ rồi forward cho nó lẹ làng, nhưng chôm thơ cũng phải hiểu cơ. Rồi, khi muốn hiểu một câu thơ thì phải lắng nghe người biết thưởng thức phân tích. Trong những người phân tích thơ thì phải nói là Lai Càng Cua K28, phân tích hay nhất. Cứ lập lại ngôn ngữ của anh khi tán dương:”Rửa đôi mày biếc cho nàng, cả đôi guốc mộc em đi, thơm đường[2]“. Rửa đôi mày biếc cho nàng, thì hay rồi, nhưng rửa đôi guốc mộc, thế <đệm>[3] nào mà em đi thơm luôn cả đường thì thua. Hay <đệm> chịu được! Bắc kỳ hay dùng chữ đệm ở giữa như vậy, nhưng thực ra nghe thì lại thấy thân quen và dễ thương. Haha! Hãy nghe chàng Càng Cua này tán thưởng thơ của Vũ Huy Triệu K28 thì còn tuyệt hơn nữa.
“Tháng Giêng chiều xuống thật gần, nhớ em, nắng cũng lạc đường, nữa tôi”. Nắng thế <đệm> nào, mà lạc đường, thế mà nhớ em quá đến nỗi nắng cũng lạc đường, nữa là tôi! Hay <đệm> chịu được! Hai vợ chồng Thu Lai sống với nhau tới ngần tuổi này mà vẫn yêu thương nhau như thuở em hãy còn ươm ươm. Chồng đi làm về, nằm ghế sofa, ngâm câu thơ đắc ý lên thành âm hưởng của dòng nhạc. Vợ vốn xưa làm nhạc trưởng trong ca đoàn Công giáo, nghe chồng ngâm bèn ngồi xuống đàn Piano, và lấy tập giấy ghi lại thành notes nhạc. Phổ nhạc thơ của Vũ Huy Triệu K28 xong thì hai vợ chồng hát với nhau liền, chồng ôm cây đàn, vợ cất giọng hát tặng lại cho mọi người.
Trong ngày chiêu đãi bạn bè từ xa đến, chúng tôi được một đêm thưởng thức tuyệt diệu. Bắt chước Tản Đà mà nói: Thức ăn ngon, chỗ ngồi ngon, không có bạn ngon thì không ngon. Đêm hôm đó, vị trí của nhà anh chị Thu Lai vốn đã tình, thức ăn mỗi người một hai món ngon mang đến, có cả 10 bánh chưng của anh chị Sang mang đến từ San José trong túi sắc. Bằng hữu cả 40 năm chưa gặp sao lại không ngon? Thế rồi cùng nhau nghe nhạc với dàn nhạc tuyển trong nhà. Có gì tuyệt diệu hơn đêm hôm đó nữa? Bây giờ, thì chúng ta cùng thưởng thức bài thơ của Vũ Huy Triệu cho ngày họp khoá:
[1] https://www.youtube.com/watch?v=rfCSb_gfcfM
[2] Thơ của Sa@
[3] đệm ở đây là “đéo”. Thí dụ: Nắng thế “đéo” nào mà lạc đường, thế mà nhớ em quá, nắng cũng phải lạc.
BỐN MƯƠI NĂM MỘT CHÚT TÌNH...
(Tặng các CÙI K28 hội ngộ 40 năm.) (Thơ Vũ Huy Triệu K28)
Đã bốn mươi năm một quãng đời
Mây bay gió thoảng nắng mưa rơi
Đứa mất đứa còn thằng phiêu bạt
Những mảnh đời trôi dạt cuối trời
Đã bốn mươi năm lạnh ước mơ
Lạnh cả đời trai dấu xa mờ
Những mái đầu xanh giờ đã bạc
Mừng gặp lại nhau vẫn như xưa
Đã bốn mươi năm một tấm lòng
Từ ngày rủ sạch nợ núi sông
Trắng tay ngửa mặt cười như khóc
Nhìn lại đời mình con số không
Đã bốn mươi năm vẫn ấm lòng
Vẫn còn chan chứa nỗi hoài mong
Trường mẹ một mảnh tình xưa cũ
Đau đáu về nhau chẳng khác lòng.
Điểm Tình:
Có một lần chị Kiều Loan, gởi hình bạn của chị là Niên trưởng Lý Công Pẩu và hình của Niên trưởng Phạm Nguyên Hải. Tôi đưa cho gia đình nhìn thấy, cả nhà ai cũng khen hết lời là hình hai Niên trưởng đẹp quá. Hôm đó, nếu tôi buột miệng khoe rằng, anh ngày xưa cũng đã là một sinh viên Võ bị Đà Lạt thì chắc là tự mình nói với mình là ‘Thôi đi! Có mà nằm mơ”.
Cho đến khi dự buổi tiệc tối tại nhà Thu Lai K28, tại Seatle, mới thấy hãnh diện đã nằm trong tập thể những người ưu tú này. Cám ơn vợ chồng Thu Lai, đêm văn nghệ tại nhà tuyệt vời quá.
Vợ chồng Thu Lai, đến tuổi này họ vẫn đối đãi với nhau như thuở còn chờ đợi nhau. Đàn hát, chơi Piano chơi chung với bạn hữu, chia xẻ những tình cảm của họ lúc mới yêu nhau.
Cô Thu kể chuyện tình của nàng, rồi chàng cũng kể. Thuở còn trẻ, nghịch ngợm vô cùng. Đi hái sung chung với một số bạn học, thì nàng đứng bên dưới la toáng lên dành sung về phần mình: Kia kìa, phía bên dưới! Bên dưới! Em bảo rồi mà, sờ bên dưới. Anh sờ nhanh, em chỉ, không thôi thằng kia hái mất!
Chàng bên trên vừa ôm thân cây vừa sốt cả lên. Gượm đã! Ừ thì sờ bên dưới.
Nghe chàng kể: Nàng đòi tôi cõng về, còn không thì sẽ vứt cái củng (váy bên trong) xuống giếng. Tôi sợ cô ấy làm thật thì công xuống giếng lấy cái củng lên còn khổ hơn là cái khổ của bọn con trai, bạn bè trêu chọc là cõng con gái. Mười lăm tuổi mà đi cõng cô em 9 tuổi, mặt chàng cứ đỏ như gấc. Miệng thì lẩm bẩm “Đấy!..một lần thôi đấy nhá! Một lần thôi đấy.. một lần thôi đấy”. Thế là hình như họ cõng nhau từ thuở cả hai còn chưa biết gì mà nhiều lần lắm, thật đấy!
Nàng còn kể lại là lúc trường Võ Bị gởi tất cả sinh viên năm thứ IV về học Nhảy dù, nàng giới thiệu chàng cho người bạn gái của mình, mà trong bụng khóc thầm, rồi vẽ nguệch ngoạc những hình vô nghĩa trên trang giấy mà thừ người ra rồi bụng bảo dạ là “sao mình ngu thế không biết”.
Nguyễn Sanh cũng có một mối tình đẹp, “happy ending”. Khi bị tù đày về, thân xơ xác, ốm yếu như que sậy, vậy mà cũng dám hỏi thẳng cô giáo là có muốn làm vợ anh không? Thì nàng lẳng lặng lấy chậu nước đến rửa chân cho chàng, rồi ngước mặt nghẹn ngào gật đầu. Thế là Sanh đưa tay vuốt tóc nàng mãi mãi từ đó. Người ta còn kể lại rằng, gian nan đâu chỉ ngừng nơi đó, Mai của Sanh đã lo cho Sanh vượt biên, nàng ở lại vất vả với cuộc sống trông chờ. Một hai năm rồi ba năm trôi qua, thế rồi khi gặp lại nhau họ không rời nhau nữa. Bạn đời chung tình với nhau, đến thế thì thôi.
Ngày khách từ xa đến cả một đoàn, vợ Sanh vẫn còn ở nơi làm việc chưa về, nhưng đã chuẩn bị hết cho khách một bữa ăn thịnh soạn. Khi xong sở làm vừa đặt chân đến nhà, thì chị đã vui vẻ rộn rã tới chào đón từng người một. Đến nỗi mà nhiều người khách phải thốt ra là: “Tình cảm Võ Bị nơi này đẹp như thể thành phố Seattle”. Vùng đất Portland Oregan và Seattle, khí hậu như Đà Lạt. Thảo nào, Nguyễn Đức Lãnh sau khi dự 30 Năm Hội Ngộ đã khen hết lời.
Thực vậy, tại Seattle khi đến nhà Trần Hiệp, gặp gỡ thì vợ chồng Hiệp đón khách cũng tươi vui, cởi mở và tươm tất. Tiệc hôm đó, có đủ đàn anh đàn em tay bắt mặt mừng. Có người đàn anh nhắc “Chuyện ChuPao” viết cách đây cả 25 năm làm tôi kinh ngạc.
Ai cũng thích ra vườn của Hiệp. Nơi đó, có dàn bầu của Hiệp. Vợ Hiệp nói là anh ấy tự mua vật dụng về làm một mình, rồi khi đi làm về thường ra ngồi bên ngoài trầm ngâm uống trà.
Vừa bước xuống xe, khi vào nhà Hiệp, khách đã khựng lại vì thấy thỏ hoang dã, đang nhảy nhót trước vườn. Vườn rau trồng cho thỏ về ăn. Ra phía sau, thì thấy sóc đang chạy trên hàng rào và leo lên cây thông. Mọi sinh vật đều biết chia xẻ với nhau một cách bình đẳng. Hiệp kể lại là có một lần chú nai hoang dã về vào hẳn trong vườn nhà nằm nghỉ ngơi.
Bạn bè nhắc đến Trần Hiệp, ngày qua Mỹ, đi tìm trường để đi học trở lại, đã bay qua tận New York rồi tới đủng đỉnh tới đoàn xe limousine để nhờ chở về nhà bạn Nguyễn Văn Viễn, lúc đó trong túi Hiệp chỉ có vỏn vẹn $30 dollars. Cũng may là người Mỹ nơi đó, cũng chỉ có cười rồi tốt bụng chỉ lại cho Hiệp biết là limousine bus cho công cộng chứ không phải luxury Limosine car. Thế rồi vài năm sau chuyên cần, Hiệp cũng tốt nghiệp đại học trở lại rồi kiếm công ăn việc làm, chắt chiu tậu nhà cửa như mọi người.
Không phải là may mắn mà phải nói là chịu khó, Trần Hiệp ngày xưa, vốn học giỏi trong nhóm thủ khoa đoàn, nên dễ thành công trên đường học vấn chăng?
Trường đại học Connecticut University, có nhiều cựu sinh viên Võ Bị Đà Lạt biết tới và rủ nhau đến học, là vì trường đã từng dạy cho người đầu tiên nổi tiếng là tướng Nguyễn Đức Thắng, một thời làm chỉ huy trưởng trường Pháo Binh tại Dục Mỹ, khi qua Mỹ, đi học lại ông đã học quá xuất sắc, đến nỗi những người đàn em xuất phát từ trường Võ Bị Đà Lạt từ đó được miễn cho hai năm đầu. Mấy tay Võ Bị như Trần Hiệp, Nguyễn Văn Viễn, Phạm Trung Cang, Nguyễn Trung Hỏa, Nguyễn Trọng Thuần, Nguyễn Nhánh.. đều đã tốt nghiệp từ trường này một cách ngon lành. Bao gồm Hồ Thanh Sơn, thủ khoa khoá 28, một thời gian làm việc một nhánh thuộc cơ quan NASA, Châu Thiết Lập hiện là programmer cho những phi cơ chiến đấu tại căn cứ Jacksonville, Florida.
Khi nghe bạn bè kháo nhau chuyện “Ngày ấy có em đi nhẹ vào đời và ngày đôi ta ca vui tiếng hát với đường dài” thì hình như ai cũng có một mối ràng buộc nào đó, như thể ông Tơ bà Nguyệt kết cho nhau.
Có lẽ hai mối tình đẹp nhất của cả bọn phải là mối tình của Trần Lượng tại Washington DC và một hai cặp nữa, sẵn đây cùng kể cho nhau nghe.
Khi thân đã xơ xác vì tù đày, thả về thì lại quay lại Đà lạt rồi hỏi thẳng một cô em, y hệt như trường hơp của Nguyễn Sanh. Chàng Lượng, tưng tửng hỏi rằng “em có muốn gá nghĩa với tôi không?” Cách đây hơn 10 năm (2005) khi gặp hai người, thì cô em vẫn còn giữ nguyên được nét đẹp huyễn hoặc của một thời con gái xứ Đà Lạt. Cô em kể lại Trần Lượng đến mà không có một hành trang nào trên tay, người nhìn thê thảm xơ xác lắm. Cô kể lại “Em thương cho mấy anh, ai cũng giỏi giang mà vận nước đang suy vong, nhìn ai cũng tan tác tang thương nên em tội nghiệp cho các anh, vì thế rồi em đã nhận lời”. Cô em kể lại là tiền mua được có 1 ký gạo. Từ chợ Hoà bình của Đà Lạt đi về nhà, hai đứa nắm tay dung dăng vui vẻ mà không biết bịch nylon bị bục, từng hạt gạo rớt theo đường như thể chuyện cổ tích lông ngỗng. Anh biết không, tụi em quay lượm lại từng hạt, mà vẫn vui cười. Đến bây giờ, có khổ cho mấy cũng gắn bó với nhau. Cho đến những năm này, ba người con của vợ chồng Trần Lượng đều thành trưởng thành và thành đạt đẹp đẽ. Chúc mừng hai bạn!
Còn một mối tình không thể không kể. Chàng là một người thông minh, ít nói mà khi làm việc thì làm việc hết lòng. Ở đảo tạm cư, được Ngô Tiến Lập K28 (Adelaide, South Australia) 1983, kể lại là anh làm thiện nguyện cho trại tỵ nạn như việc làm nhà ở cho dân tỵ nạn mới đến, làm hết nơi này sang đến nơi khác, không nề hà, không kể công, cứ lẳng lặng làm việc. Ai cũng kính trọng và yêu mến anh.
Đó là bản tính của anh từ thuở thanh niên. Khi đến chơi nhà bạn học, anh đã được bà mẹ của bạn yêu mến tính tình đến nỗi phải buột miệng nói, nếu bà có con gái lớn thì sẽ gả cho anh. Lúc đang nói, thì cô con gái út đang bò trên nền gạch bông. Mặc cho bà mẹ đang tìm cách chụp cô Út lại để mặc tã, cô Út vừa bò vừa cười khúc khích, bò “chạch chạch” nhanh như chớp, lẩn chạy mặc tã. Cả nhà cười vì cô Út vừa bò vừa ngoảnh mặt lại cười nắc nẻ. Nụ cười mê hồn chăng tới mức độ nào, chàng nhất định không kể lại nhưng khi chàng làm thuyền trưởng lái tàu vượt biên thì cô Út vẫn chưa tới tuổi thành niên. Khi vừa tới tuổi cô gái 17. Cô quyết định lấy chàng như trọn giao ước của mẹ.
Không hiểu lời đồn đãi và sự thực đến bao nhiêu phần trăm nhưng chắc chắn, mẹ của cô thực sự chọn không lầm người, con gái của bà được người chồng yêu thương, chăm sóc hết lòng. Mấy năm trước đây cô Út ngã bịnh ngặt nghèo đi đâu cũng phải có xe lăn có bình dưỡng khí. Chồng vừa đi làm vừa chăm sóc đến cả mấy năm mới tự bước đi trở lại được. Kỳ này mọi người bầu anh làm người đại diện khoá.
Điểm Kỳ Lạ: Cho dù đã hơn 40 năm, khi có các lễ lạc hay hội họp các khoá thì việc tổ chức Lễ Rước Quốc Quân Kỳ vẫn diễn ra một cách cẩn thận, long trọng. Kỳ lạ thay, khi nghe bài Quốc Ca nổi lên thì trong lòng ai cũng gợn sóng và hát theo. Khi Lễ Truy Điệu để tưởng nhớ những chiến sĩ đã mất trong trận chiến, những người đã bỏ mình trên con đường tìm tự do, khi mà mũi súng chỉa xuống 45 độ thì nỗi bi hùng trổi lên trong tâm hồn chúng ta như thể sóng dồn. Thế rồi từng lời thơ ngâm, trong Lễ Truy Điệu vang lên: ” Chí vẫn còn mong tiến bước nhưng sức không kham nổi đoạn đường..Phút chốc quý vị đã trở nên người thiên cổ. Ơn cù lao, nghĩa vợ chồng, tình huynh đệ..Thôi cũng đành gián đoạn từ đây..” Trong một buổi lễ tháng 12, vắng lặng của Đài Tử Sĩ trong một năm đó, có thiếu phụ tham dự không dấu được lòng tiếc thương chồng, đột nhiên bật khóc nức nở trong đêm truy điệu, trong nỗi vắng lặng của tháng 12, mùa đông Đà Lạt. Dường như tiếng khóc hòa với bài thơ ngâm trên ngọn đồi 1515. Dù chỉ nghe kể, cũng đã đeo đuổi trong ký ức biết bao nhiêu chàng sinh viên vào những năm đó.
Bài thơ có lời quá trác tuyệt và làm cho chúng ta nhớ mỗi năm Trường Võ Bị Đà Lạt tuyển chọn trên dưới 250 người thanh niên ưu tú của cả miền Nam. Rồi một số ra trường vì không kham nổi thời gian huấn nhục Tân Khoá Sinh, sau đó lại một số ra đi vì không chịu nổi sự đòi hỏi theo kịp văn hoá, phỏng theo chương trình của Trường Võ Bị Westpoint của Hoa Kỳ. Chúng ta may mắn được tuyển chọn và được tuyển chọn cho đến giờ phút cuối của cuộc chiến. Nay một số bạn bè đã nằm xuống, một số đã ra đi. Chúng ta không hề quên bạn bè, Cuộc Hội Ngộ 40 Năm nhiều hình ảnh bạn bè đã mất, được đưa lên màn ảnh cùng với những bài hát. Cám ơn người chịu khó sưu tập hình ảnh, ban tổ chức và anh chị Thu Lai đã trình bày slides hình ảnh cùng với bài hát. Nhiều người quả xúc động, phải có một lý tưởng chính đáng lắm nên chúng ta vẫn còn hãnh diện đứng trong hàng ngũ như thế. Chớ để mất!
Điểm Quan Tâm:
Chúng ta sẽ không thắng được thời gian, và thời gian sẽ làm cho chúng ta quên dần đi. Những nghi lễ có thể lần này có thể khác lần trước, sẽ có một đôi lần rất xuất sắc hơn và có những lần sẽ phải điều chỉnh. Nếu chúng ta duy trì được thành văn bản[1] chính thức cho từng công việc thì những lần sau đó, chúng ta cứ theo đó mà làm. Hơn nữa, khi đó, sẽ có nhiều khoá sẽ dùng bản văn chính thức đó mà tổ chức. Sẽ tiết kiệm được thì giờ hơn, sẽ theo bài bản nhất định mà không bị lọt chọt. Nhất là sau này, tổ chức lần tới có thể tại Florida, hay một nơi nào không có nhiều thành viên nhưng chúng ta vẫn phải làm việc được chung với nhau. Thậm chí những bản văn (Main Procedures) cũng còn có thể sửa đổi cho bất cứ tổ chức nào như một Standard.
Sau hôm Đại hội, một số người ngồi lại và rút tỉa kinh nghiệm. Lời nói của Nguyễn Sanh, tôi thấy quá hay nên xin được ghi chép ra đây. Thông thường để đỡ gánh nặng và hài hòa trong cách làm việc, chúng ta phân phối ra những trưởng ban. Trưởng ban Nghi Lễ, Trưởng ban Tiếp tân, Trưởng ban Tài chính, Trưởng ban Ẩm thực, Trưởng ban hình ảnh, Trưởng ban Tin tức (Văn thư, Báo chí), Trưởng ban Liên lạc (Đối ngoại), Trưởng ban Văn Nghệ và Thể thao. Mỗi Trưởng ban sẽ được xác định trách nhiệm và quyền hạn, để khỏi dẵm lên nhau.
Thí dụ: Trưởng ban Nghi lễ sẽ phải chuẩn bị trước nhạc, lễ chào quốc kỳ (USA, VN), khẩu lịnh, ai sẽ ra khẩu lịnh, vật dụng phải có (thí dụ: Cờ, Kiếm, Súng, Quần áo Lễ, Số người trong toán chào). Tất cả các Trưởng ban phải liên lạc trực tiếp tới một Trưởng Ban Điều Hợp. Người này nên là người Đại diện khoá.
[1] If you require a volunteer, I would do it.
Điểm Son: Lần nào khi chúng ta gặp nhau cũng có đàn anh và đàn em cùng đến tham dự. Trước là như khách, sau là có trước có sau như một cây có gốc và có lá, đều xuất thân một trường. Kỳ này tôi thấy có Hiện diện của Niên Trưởng Cao Yết, ông vẫn còn khoẻ mạnh đến tham dự, sự hiện diện của những người này đáng trân trọng và duy trì.
Xin cám ơn tất cả quý vị.
Western Australia, Sept, 2015
TrantuanngocK28
[1] If you require a volunteer, I would do it.